Nói đến Oolong (Ô Long) ta không thể không nhắc đến nơi “sản sinh” ra loại trà này, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Với lịch sử 1.000 năm, Phúc Kiến đã tạo ra một thức uống truyền thống gọi là trà Beiyuan. Trà Beiyuan là loại trà sớm nhất được biết đến để tiến cống cho vua chúa. Lúc đầu trà này được nén và ép thành bánh. Về sau trà được người dân nơi đây xử lý oxy hóa một phần và gọi là trà Oolong.
Những cánh Oolong hình tròn
Trà Oolong được sản xuất với một quy trình độc đáo từ khâu làm héo dưới ánh mặt trời cho đến quá trình oxy hóa trước khi các lá trà được uốn xoắn lại. Oolong có thể có vị ngọt và với mùi hương mật ong, hoặc có mùi hương gỗ hay hương thơm của hoa rừng… Tất cả tùy thuộc vào vườn trồng trà và phong cách chế biến của mỗi nơi sản xuất.
Bạn có tò mò vì sao trà lại có tên gọi là Oolong không? Mộc An sẽ bật mí cho bạn nhé.
Về Oolong có rất nhiều câu chuyện huyền thoại được thế giới hiện đại biết đến. Đây là một trong những huyền thoại đó.
“Dưới triều đại nhà Thanh, có một người nông dân trồng trà ở Phúc Kiến. Khi đang hái trà, ông nhìn thấy một con nai. Ông đã quyết định đi săn con nai thay vì chế biến trà đã được hái. Thế là ông ta hoàn toàn quên mất công việc chính của mình. Mãi cho đến ngày hôm sau, ông mới nhớ ra rằng, ông cần phải chế biến trà đã hái hôm trước. Tuy nhiên, vào thời điểm đó một phần của lá trà đã bị oxy hóa. Điều đặc biệt là những lá trà đó đã tỏa ra một loại hương thơm kỳ lạ. Vì vậy, ông đã quyết định dừng lại việc xử lý trà như thường lệ.
Khi mang trà đi pha, ông rất ngạc nhiên khi ngửi thấy hương thơm ngào ngạt và ngọt ngào, vị chát nhẹ, ngọt hậu không bị đắng chát. Một hương vị hoàn toàn mới lạ so với loại trà mà ông đã từng chế biến trước đây. Người nông dân này tên là Ô Long. Do đó tên trà được đặt theo tên của ông.”
Lại có một truyền thuyết kể rằng: “Nhiều thế kỷ trước, khi trà Oolong được trồng lần đầu tiên ở vùng núi Wu Yi ở miền trung Trung Quốc, người trồng trà đã thấy một loại rắn đen đặc biệt thích làm tổ trong bụi cây trà. Thời đó ở đây, rắn thường được nhắc đến như những “con rồng” nhỏ, cho nên trà được thu hoạch từ cây trà có loại rắn này làm tổ gọi là “oo-lung”, theo nghĩa đen là “Black Dragon” tức là rồng đen.
Oolong dệt với hương Sen Hoàng Yến
Vậy bây giờ bạn đã biết Oolong có nghĩa là Rồng đen rồi chứ? Thú vị đúng không ạ! Nhưng Mộc An tạm dừng lại những câu chuyện để quay về với trà Oolong được sản xuất tại Bảo Lộc, Lâm Đồng mà Mộc An đang pha để thưởng thức.
Tỉnh Lâm Đồng được biết đến là vùng trà rộng lớn và cho sản lượng trà cao nhất cả nước. Đây cũng là vùng sản xuất ra trà Oolong ngon nhất Việt Nam. Đặc biệt với những đồn điền trồng trà rộng lớn ở thôn Cầu Đất và thành phố Bảo Lộc những sản phẩm trà đã làm đắm say biết bao lòng người.
Đồi chè Cầu Đất hay có tên gọi khác là chè Cầu Đất Fram thuộc địa bàn thôn Cầu Đất, xã Xuân Trường, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 23km về phía đông Nam. Với tuổi đời gần 100 năm, với diện tích rộng hơn 200 ha, ở độ cao 1650m so với mực nước biển, đồi chè Cầu Đất cũng được xem là một nơi lý tưởng để khám phá khi đến Đà Lạt mộng mơ.
Bảo Lộc nằm ở độ cao trên 900m so với mực nước biển và nằm trọn trên cao nguyên Di Linh. Khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ. Đất đai ở đây rất màu mỡ, trù phú và phù hợp với cây trà. Vùng đất này thật sự đã trở thành địa điểm rất tốt cho việc trồng và phát triển ngành công nghiệp trà.
Nhìn những cánh trà tròn tròn, xinh xinh được lấy ra từ túi trà, Mộc An không thể không chia sẻ thêm về cách tạo hình cho Oolong. Có nhiều cách khác nhau để tạo hình dáng nhưng nhìn chung có 2 cách phổ biến và mang tính truyền thống. Một là lá trà được cuộn lại thành lá dài nhọn. Hai là lá trà được cuộn lại thành hình hạt tròn. Mộc An thường dùng loại Oolong dạng cuộn tròn để pha thưởng thức. Đơn giản bởi sau rất nhiều lần thưởng thức, chúng mình thấy loại này lạ hơn, bắt mắt hơn, khi uống có cảm xúc trào dâng cao hơn.
Ở Việt Nam, ngoài vùng trà Oolong nổi tiếng ở Cầu Đất và Bảo Lộc thì Oolong còn được trồng Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn… Những địa phương này cũng cho ra những loại trà Oolong có hương vị khác biệt.
Giờ thì chúng ta cùng thưởng thức đồng thời hai mùi hương của Oolong và Sen Hoàng Yến. Đợi vài chục giây, sau khi đã ngất ngây, chúng ta cùng hớp một ngụm trà trong miệng để cảm nhận vị đặc biệt này.
Trời đã vào trưa, bên ngoài vẫn đang mưa rả rích làm cho khí trời cũng trở nên se lạnh. Còn gì tuyệt vời hơn khi pha ấm trà nóng, vừa thưởng thức, vừa ngắm những hạt mưa rơi. Quả thật là rất tỉnh táo và ấm lòng. Còn gì quyến rũ hơn khi hai mùi hương đều mạnh mẽ nhưng lại không lấn át nhau mà hòa quyện vào nhau tạo nên một hương vị đặc biệt. Hương Oolong tỏa ra ngay khi rót nước pha trà vào ấm. Hương Sen Hoàng Yến quyện vào hương Oolong làm tỏa ra mùi thơm thật dễ chịu. Hớp một ngụm trà vào trong miệng đã ngất ngây lắm rồi. Nhắm mắt lại, tận hưởng mà thấy lòng nhẹ tênh, nhẹ tênh.
TEAM MỘC AN