TÍA TÔ – Thảo dược quanh ta

Tía Tô

+ Tên khác: Tô ngạnh (cành), tử tô (hạt) và tô diệp (lá)

+ Tên khoa học: Perilla frutescens.

+ Họ: Lamiaceae

MÔ TẢ CÂY TÍA TÔ

                                                     

                                                                             Tía Tô tím                                                                   

+ Đặc điểm sinh thái của Tía Tô

Là loại cây cỏ mọc hàng năm, chiều cao tầm 0,5 – 1,5 m. Toàn thân có lông. Lá Tía Tô có lông nhám, mép khía răng cưa, mọc đối xứng, màu tím hoặc màu xanh. Hoa nhỏ có màu trắng hoặc tím nhạt, mọc thành từng chùm ở kẻ lá hay đầu cành. Quả hình cầu màu nâu nhạt.

+ Phân bố

Cây Tía Tô có giá trị sử dụng cao. Vì vậy, được trồng phổ biến ở khắp mọi nơi, trải dài từ Ấn Độ sang Đông Nam Á.

Tía Tô được trồng bằng hạt. Thời kỳ gieo tốt nhất là vào tháng 1-2 dương lịch,

+ Bộ phận dùng và thu hái

  • Bộ phận dùng: Bao gồm lá, cành và quả
  • Thu hái: Tùy theo mục đích sử dụng của từng bộ phận mà cây được thu hoạch trong những khoảng thời gian khác nhau. Ví dụ, nếu lấy lá, thời gian hái sau khi gieo hạt khoảng 2 tháng. Khi đó, chỉ nên hái lá già và chờ 1 tháng sau đó tiếp tục hái. Còn đối với lấy hạt, chờ cho đến khi cây Tía Tô già.

+ Thành phần hóa học

  • Toàn cây Tía Tô có chứa khoảng 0,50% tinh dầu thành phần chủ yếu là perilla-andehyt, chất này có mùi thơm đặc biệt của Tía Tô
  • Lá tía tô: Chứa 0,2% tinh dầu với các thành phần chính như aldehyde, xeton, hydrocarbon, furan,…
  • Hạt tía tô: Có khoảng 40% lượng dầu bao gồm acid béo chưa bão hòa (acid alpha – linoleic)

Tía Tô xanh tím

VỊ THUỐC

+ Tính vị

Tính ôn, vị cay

+ Quy kinh

Vào kinh Tỳ và Phế

+ Tác dụng dược lý

Ngoài công dụng làm gia vị, cây Tía Tô còn có những công dụng sau đây:

1/ Trị hen suyễn, chữa ho, trừ đờm, tê thấp

Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Archives of Allergy and Immunology vào tháng 6 năm 2000 cho thấy, dầu hạt tía tô có ảnh hưởng nhất định lên bệnh hen suyễn, giúp tăng khả năng lưu thông khí và cải thiện chức năng của phổi, hỗ trợ điều trị hen.

Bạn có thể tham khảo để ứng dụng cách dung này: Lá và hạt ngày uống 3-10g, cành ngày uống 6-20g dưới dạng thuốc sắc.

2/ Chống viêm và dị ứng

Các thành phần hóa học chứa trong tía tô như Acid Rosmarinic, Quercetin, Acid Alpha – lineolic, Perilla, Luteolin có tác dụng ngăn chặn quá trình sản xuất histamin và giảm Cytokine, hạn chế xảy ra vấn đề viêm và dị ứng ở cơ thể.

3/ Phát tán phong hàn, giải uất, an thai, giải độc của cua cá

Có thể dùng dưới dạng tươi hoặc sấy khô. Tuy nhiên, liều lượng dùng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, mức độ bệnh, loại bệnh,…

BÀI THUỐC CHỮA TRỊ BỆNH TỪ LÁ TÍA TÔ THEO KINH NGHIỆM DÂN GIAN

1/Chữa cảm mạo

  • Cách 1: Lá Tía Tô, rửa sạch, thái chỉ nhỏ rồi trộn chung với cháo trắng gạo tẻ, ăn khi còn nóng. Cách làm này giúp thoát mồ hôi ra ngoài, giải cảm nhanh.
  • Cách 2: Dùng 15 – 20 gram lá Tía Tô, rửa sạch và ngâm nước muối pha loãng 5 – 10 phút. Sau đó, giã nát và thêm một ít nước sôi, lọc lấy nước thuốc và uống. Để thuốc phát huy tác dụng, sau khi uống xong bệnh nhân nên nằm nghỉ và đắp chăn kín. Uống nước lá Tía Tô chữa cảm mạo chỉ áp dụng cho đối tượng trẻ em và người già.
  • Cách 3: Sử dụng lá Tía Tô nấu nước và xông. Bên cạnh đó cũng có thể dùng nước ngâm chân, giúp đẩy mồ hôi ra ngoài, giải cảm.

2/ Điều trị chứng ho ở trẻ sơ sinh

20 gram lá tía tô

5 gram hoa khế

5 – 10 gram hoa đủ đủ đực

5 gram đường phèn.

Tất cả các nguyên liệu trừ đường phèn được đem đi rửa sạch và giã nát. Sau đó vắt lấy nước cốt, thêm đường phèn vào và đem hấp cách thủy.

Mỗi ngày cho trẻ uống 5 lần, mỗi lần nửa thìa cà phê (tương đương 2,5 ml).

3/  Chữa rôm sảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Rửa sạch một nắm lá Tía Tô rồi xay nhuyễn, vắt lấy nước cốt. Sau đó đun sôi, tắm cho trẻ. Hoặc cha mẹ cũng có thể để nguyên lá Tía Tô, nấu nước và tắm cho bé.

4/ Giảm đau nhức do gout gây ra

Mỗi khi cơn đau do bệnh gout ghé thăm, người bệnh có thể hái một nắm lá Tía Tô, rửa sạch, ngâm nước muối và nhai nuốt sống. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể sắc thuốc lá Tía Tô uống mỗi ngày để cải thiện triệu chứng bệnh.

5/ Điều trị sưng vú

Sử dụng 10 gram lá Tía Tô, sắc thuốc uống. Phần bã dùng đắp lên vú. Kiên trì thực hiện cho đến khi bệnh có dấu hiệu thuyên giảm thì ngừng.

6/ Trị trúng độc do ăn hải sản

Dùng 10- gram lá Tía Tô tươi, giã nát và vắt lấy nước uống. Hoặc sắc thuốc lá Tía Tô khô và uống mỗi ngày.

7/ Điều trị mụn thịt mụn cơm

Hái một nắm lá Tía Tô, rửa sạch và ngâm nước muối để làm sạch bụi bẩn, ký sinh trùng và giảm bớt lượng lông trên lá. Sau đó, giã nát và thoa lên những nốt mụn. Thực hiện 3 – 4 lần mỗi tuần, giúp giảm mụn và làm sáng da.

8/ Chữa bụng trướng

Lấy một ít lá Tía Tô đã được vệ sinh sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt rồi thêm ít muối vào uống.

9/ Cải thiện tình trạng chảy máu ngoài da

Sử dụng một nắm lá tía tô non, giã nát rồi đắp lên vết thương. Sau đó, dùng lá tía tô tươi sao vàng, nghiền nhỏ và rắc lên.

MỘT SỐ TÁC HẠI KHI LẠM DỤNG LÁ TÍA TÔ

Mặc dù lá tía tô mang lại nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe và nhan sắc. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá nhiều lá tía tô có thể gây nên những vấn đề sau:

  • Đối với bà bầu: Lá tía tô có tác dụng an thai nhưng nếu dùng với liều lượng lớn, liên tục trong khoảng thời gian có thể làm tăng huyết áp, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi.
  • Đối với người bị cảm nóng, hay ra mồ hôi: Tốt nhất nên thận trọng khi dùng lá tía tô chữa bệnh. Vì chúng có tác dụng dược tính gây ra mồ hôi nhiều, sử dụng kéo dài có thể khiến bệnh thêm trầm trọng.
  • Người có tiền sử dị ứng: Đối với những người này nên hạn chế dùng lá tía tô điều trị bệnh để tránh những tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra.

Các bài thuốc chữa bệnh từ cây tía tô chỉ mang tính chất tham khảo được người xưa truyền lại và chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh chúng an toàn và hiệu quả. Do đó, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng, tránh tình trạng dùng sai cách cũng như sai liều lượng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

** Nguồn thông tin trên để bạn đọc và tham khảo, biết rõ hơn về những loại cây mà chúng ta dùng hàng ngày. Từ đó, tùy vào cơ địa của mỗi người mà ứng dụng cho hợp lý.

Mộc An Trà

Công ty TNHH Văn Hóa Mộc An

Moc An Culture Company Limited

Tên viết tắt: MACCO

101Bis Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Q3, Hồ Chí Minh.

Không gian thưởng trà: Ngõ 689 Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, Hà Nội

Bản quyền thuộc về Mộc An Trà