Cách đây mấy tuần, một hôm ra vườn ngồi chơi trên bãi cỏ, có một con bọ xít nhỏ xíu bay bám vào áo mà tôi không hay. Ngồi một lúc, thoáng có ý hay tôi vào phòng và ngồi vào bàn để ghi lại kẻo sợ quên. Vừa cầm cây bút lên thì thấy anh chàng bọ xít đang đậu bên vai trái. Tôi có cái tập khí là không ưa bọ xít vì mùi hôi của nó. Do đó, với phản ứng tự nhiên, tôi đưa tay lên phủi một cái, và con bọ xít rớt xuống. Lúc đó tập khí mạnh và chánh niệm tới trễ.
Quí vị có nhớ ngày xưa khi chưa đi tu, hễ biết con muỗi đậu vào má thì mình đưa tay đánh một cái bốp liền. Nhưng nhờ tu học nên mình không làm chuyện đánh cái bốp cho con muỗi chết nữa, mình chỉ đuổi cho nó bay đi thôi. Điều này ta cần thực tập mới làm được. Từ chỗ đánh cái bốp cho con muỗi chết đến chỗ mình chỉ xua cho nó bay đi, phải cần một thời gian thực tập tinh chuyên. Tôi cũng vậy.
Sau khi phủi con bọ xít rồi, tôi cúi xuống định ghi lại cái tư tưởng vừa có thì tự nhiên chánh niệm tới và nó nói: “Trời đất ơi! Con bọ xít nhỏ xíu mà phủi mạnh như vậy thì làm sao nó sống được. Bọ xít cần có một môi trường, một khung cảnh mới có thể sống, bây giờ mình đem nó vào thư viện, nơi chỉ có sách, có nhang và tọa cụ thôi, thì nó ăn gì để sống?” Tôi muốn đứng dậy đi tìm con bọ xít để đưa nó ra ngoài, nhưng ý nghĩ thứ hai lại đến: “Sao mình không ghi xong tư tưởng kia rồi sẽ đi kiếm và đưa nó ra ngoài sau?” Tôi cúi xuống ghi chép và bỏ bút đứng dậy đi tìm con bọ xít.
Tìm nó gần mười phút mà không thấy! Tôi liên tưởng đến người Việt đi tị nạn được đưa vào xã hội Tây phương mà còn khó sống, huống hồ đằng này “người ta” đang ở ngoài vườn, có cây, có lá, có đất đai, có hạt sương tươi mát … mà lại đem bỏ vào một nơi chỉ có tọa cụ, kinh sách thì làm sao “người ta” sống được? Cái hiểu đưa tới cái thương và thôi thúc mình đi tìm.
Tôi rất lấy làm lạ là chỉ trong một vùng chừng hai ba thước vuông, vậy mà lật mọi thứ lên cũng vẫn không tìm thấy. Tôi hơi hối hận là tại sao lúc đó mình không đi tìm ngay mà phải đợi ghi cho xong một câu rồi mới đi tìm. Tu là phải đi theo tâm ý mình, phải có chánh niệm từng giây từng phút.
Tìm mãi không được, tôi thất vọng và hình dung rằng con bọ xít này sẽ từ từ khô đi giống như những con ốc leo tường. Nó sẽ khô như vậy, sẽ chết như vậy và tội nghiệp cho nó quá! Tôi tự hứa lần sau sẽ hành động có chánh niệm hơn. Với tâm trạng đó, tôi ngồi xuống tiếp tục làm việc.
Chừng nửa giờ sau, nhìn lên tôi thấy chàng bọ xít đã trở về đậu trên vai áo, gần chỗ nó đậu hồi nãy. Sự trở về của con bọ xít làm cho tôi mừng. Tôi có cải cảm giác vui như vừa tìm lại được một người bạn cũ và cái buồn, cái hối hận đột nhiên biến mất. Tôi cúi xuống lượm một tờ giấy, để con bọ xít lên rồi đi ra vườn đặt nó lên một chiếc lá rất cẩn thận.
Trong cuộc sống nhiều lúc ta có những niềm vui đơn giản như vậy. Tôi thấy rất rõ ràng việc làm lúc đó của tôi và niềm vui của tôi trong khi làm việc đó. Nếu có một quan sát viên nhìn vào, chắc sẽ buồn cười. Có biết bao nhiêu sinh mạng ở ngoài trời đang chờ chết, mình cứu được một con bọ như thế có nghĩa gì đâu? Sự có mặt của con bọ đối với quan sát viên kia không quan trọng gì hết, nhưng đối với tôi nó quan trọng vô cùng, tại vì tôi biết rằng cái hạnh phúc của mình tuỳ thuộc vào chỗ mình có lòng từ bi hay không. Một người không có lòng từ bi thì không thể có hạnh phúc. Cho nên tu tập là làm cho lòng từ bi càng ngày càng lớn để hạnh phúc của mình ngày càng lớn hơn lên. Nếu ta có được lòng thương đối với những sinh vật li ti như vậy thì ta cũng có thể có lòng thương đối với những sinh vật lớn hơn, trong đó có sư huynh, sư đệ và học trò của ta.
Ban đầu khi nghe sư anh hay sư em của ta nói một câu không dễ thương thì ta cũng theo cái tập khí, cái thói quen lâu đời “phủi một cái rồi bỏ đi!” Nhưng sau đó ta phải có chánh niệm, phải thấy rằng phủi như vậy là không dễ thương, và phải đi tìm sư anh, sư chị của mình mà nói “Hồi nãy em làm vậy, nói vậy là không dễ thương”. Ta phải tập và nếu tập được như vậy một vài lần thì sẽ không còn cái phản ứng tập khí ban đầu. Nhờ vậy mà khi cảm thấy một con muỗi đậu vào gò má, ta sẽ không đánh bốp một cái cho nó chết nữa. Những cử chỉ, những hành động nho nhỏ như vậy sẽ đưa ta tới thành công lớn trong việc tu học. Tất cả đều nhờ thực tập tinh chuyên.
Một hai tuần sau khi thấy được “cái tập khí con bọ xít” của mình, tôi hành động khá hơn đối với những con sâu bám vào áo mình. Vào mùa này tôi rất thích đi ra ngoài. Cứ làm việc một hồi lại ra ngoài đi thiền hành, rồi ngồi dưới cây táo để thực tập an trú với những gì đang có mặt trong giây phút hiện tại. Dĩ nhiên ngoài vườn còn có những sinh vật khác cũng muốn tới để làm tăng thân với mình. Khi thấy được như vậy, mình làm khác hơn và nhờ vậy mà thắng được cái tập khí của mình.
Tại sao mình làm được? Tại vì mình biết con sâu cũng có sự sống. Nếu mình cần môi trường thích hợp để sống, thì con sâu cũng cần có môi trường thích hợp để sống. Mình và con sâu đều thuộc về một thực tại duy nhất là sự sống. Sự sống của ta tùy thuộc vào sự sống của con sâu. Sự sống của con sâu tùy thuộc vào sự sống của ta. Sự sống của mọi loài đều dính dáng với nhau. Khi một loài bắt đầu bị diệt chủng, thì đó là một tiếng chuông báo động rất lớn. Người bạn tu của mình, người sư chị, sư em, sư anh của mình chính là mình. Nếu người đó bực bội thì cũng như mình đã từng bực bội, nếu người đó giận hờn thì cũng như mình đã từng giận hờn. Vì vậy sau khi “phủi” một cái, mình phải trở về hàn gắn lại bằng cử chỉ hiểu biết và thương yêu. Như vậy hạnh phúc của mình ngày càng lớn, hạnh phúc của người kia cũng ngày càng lớn, và nhờ vậy mà hạnh phúc của tăng thân cũng ngày càng lớn hơn lên.
Tất cả đều căn cứ vào một cái thấy, cái thấy vô ngã. Trong trường hợp này vô ngã có nghĩa là không có hạnh phúc riêng, không có một thực thể riêng gọi là ta. Chúng ta đều là thành phần của một thực thể chung gọi là sự sống. Hạnh phúc của anh có liên hệ tới hạnh phúc của tôi. Đau khổ của anh cũng là đau khổ của tôi. “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” là vậy.
Cho nên khi quán chiếu về vô ngã không có nghĩa là ngồi đó để suy nghĩ về vô ngã, mà mình phải sống đời sống hàng ngày một cách có ý thức, tiếp xúc với con sâu, với hạt lúa, với chén tương, với người bạn tu, với mặt trời v.v… một cách có chánh niệm để thấy sự liên hệ mật thiết giữa tất cả các hiện tượng, tức là quán chiếu vô ngã. Thí dụ khi ăn trái mận mình thấy một đám mây trong trái mận. Trái mận không bao giờ có được nếu không có đám mây, không có mặt trời, không có đại địa, không có người trồng mận, không có anh, không có tôi … Vì vậy mà tôi có trong trái mận, và trái mận có trong tôi. Trái mận cũng đồng thời là mặt trời, là đám mây. Trái mận bất diệt và tôi cũng bất diệt. Đó là một bài thực tập quán chiếu về tính vô ngã.
Mình càng quán chiếu như vậy, càng sống có chánh niệm như vậy thì tự nhiên trái tim mình càng ngày càng lớn thêm lên. Trái tim ở đây tức là sự thương yêu, là lòng từ, và nhờ vậy mà mình sẽ dung chứa được tất cả mọi người và mọi loài trong đó. Trái tim của em có thể chứa được tôi không? Trái tim của em có thể chứa được người kia không? Người thực tập từ, thực tập bi là người làm cho trái tim ngày càng lớn để có đủ chỗ cho con sâu, con bướm, cho con nít đói, cho bà lão cô đơn và cả cho người mình ghét.
(Trích từ tác phẩm “Hạnh phúc Mộng và Thực” – Sư Ông Làng Mai)