Vào một buổi sáng mai, khí trời vào Thu mát, Sen Mộc An đi ngang qua bụi hoa Sói, hái một cành hoa đưa lên ngửi. Hương hoa Sói không “phô trương” như hoa Nhài, hoa Mộc mà chỉ thoang thoảng nhẹ nhàng. Phải dừng lại, yên mới ngửi được mùi hương ấy. Còn nếu không để ý ta sẽ lướt qua một mùi hương khiêm tốn nhưng không kém phần quyến rũ.

Chọn vài cành hoa đang tỏa hương mang lên không gian thưởng trà. Tìm một loại trà thích hợp để “kết duyên”. Lướt qua một loạt trà hơn chục loại cuối cùng chọn Oolong. Phát hiện ngoài Oolong đỏ, Oolong Xanh thì còn loại Oolong Quý Phi mà Sen chưa thẩm. Thế là chuẩn bị không gian để đưa nàng Quý Phi vào “thị tẩm”. Một mùi hương nhẹ nhàng tựa mùi của trái cây tỏa ra, cứ ngỡ mũi Sen có vấn đề bởi lâu nay uống các dòng trà thuộc cây trà Shan Tuyết – Cổ Thụ nên bị nhiễm hương thảo dược chăng? Rồi khi rót trà ra tống nhìn màu sắc óng vàng của trà thật đẹp làm sao. Nhấp một ngụm của nước trà đầu tiên cái vị chát nhẹ và ngọt nhẹ đó đã bao phủ từ đầu lưỡi đến cuốn họng. Và vị chát, vị ngọt tăng dần qua nước hai, nước ba. Lúc này hương và vị đã rõ rang hơn. Cả màu sắc nước cũng đậm hơn. Không hỗ danh với cái tên gọi mà người làm trà chia sẻ gắn với câu chuyện về nàng Quý Phi này.

Những viên trà Oolong Quý Phi

Chuyện kể rằng: Trà oolong Quý phi được tạo ra bởi một nhóm các nông dân trồng chè trẻ từ thị trấn LuKu khoảng13 năm trước (năm 2000). Sau khi trận động đất lớn 9/21, các nông dân trồng chè tại thị trấn Luku đã tập trung tham gia vào việc xây dựng lại quê hương của họ và bỏ quên một khu vực vườn chè của mình, điều này dẫn đến lá chè (trà) bị hút dịch bởi một loại “rầy xanh”. Sau khi những lá chè được hái và sản xuất theo phương pháp trà Đồng Đinh Oolong truyền thống, với quá trình lên men lâu, nó tạo ra hương vị rất đặc biệt, nước trong màu cam và đầy hương mật ong hoặc hương thơm quả vải. Lá xanh được bao quanh bởi các viền cạnh màu đỏ và trông rất thanh lịch giống như một Quý phi (vợ lẽ cao cấp nhất Hoàng đế). Hương vị và mùi thơm của nó khác với trà Đồng Đinh Oolong truyền thống, đây là lý do người làm trà đặt cho nó tên gọi là trà  OoLong QUÝ PHI.

Thị trấn Lugu (tiếng Trung: 鹿谷 鄉; bính âm: Lùgǔ Xiāng;  Lu-ku Hsiang, Lo̍k-kok Hiong) là một thị trấn nông thôn nằm ở phía Tây Nam của huyện Nam Đầu, Đài Loan. Lugu được biết đến là quê hương của trà Oolong Đồng Đinh,  là nơi đầu tiên trồng trà trong khu vực.

Trà Oolong Quý Phi mà Sen Mộc An đang thẩm là loại trà được trồng ở Lâm Hà – Lâm Đồng – Việt Nam. Vườn trà được chọn hái để làm loại trà đặc biệt này phải là vườn có sự xuất hiện của “Rầy Xanh”, sau khi rầy cắn một tuần, đọt trà sẽ không tiếp tục phát triển mà chuyển sang có sắc vàng, và được chọn hái. Vì vậy nó có vị ngọt với hương vị mật ong. Thời gian thu hoạch của loại trà này vào mùa Hè, mùa Thu. Nhìn ngoài hình khi đã qua chế biến thành thành phẩm với hình dáng viên tròn tròn, màu nâu lẫn ít trắng trông rất đáng yêu. Ưng là Oolong Quý phi pha được nhiều nước và khi “kết duyên” với hoa Sói thì mùi của hoa Sói rất rõ.
Màu nước trà vàng óng ánh
CÁCH PHA TRÀ
Tùy theo sở thích của mỗi người mà ta chọn loại ấm chén cho phù hợp. Có thể dùng ấm chén bằng thủy tinh, bằng gốm, sứ, ấm đất nung… Nếu có cơ hội bạn nên trải nghiệm pha trà với các loại ấm với chất liệu khác nhau, cùng một loại trà qua các dụng cụ pha trà với chất liệu khác nhau hương và vị của trà cũng khác nhau đấy các bạn ạ.
1. Nước – nên chọn nước lọc tinh khiết hoặc nước suối, nước giếng (chọn loại nước có chứa hàm lượng ion kim loại nặng thấp).
2. Nhiệt độ nước: đạt 90- 95°c là tốt nhất.
3. Lượng trà: theo khẩu vị của mỗi người thích uống đậm hay nhạt, nhưng thông thường dùng khoảng 4-5gr trà pha với 300ml nước (tỷ lệ 15g trà/1000ml).
CÁCH PHA
1. Tráng ấm chén với nước sôi để tiệt trùng đồng thời tránh giảm nhiệt độ nước khi pha.
2. Cho trà vào ấm, lượng trà tùy theo khẩu vị của người dùng nhưng lý tưởng nhất là lượng trà chiếm bằng 1/5 đến 1/6 dung tích ấm.
3. Dùng nước sôi tráng qua trà để làm sạch bụi bẩn (nếu có), đồng thời cũng giúp chúng ta khai thác được tối đa hương và vị đặc biệt vốn có của trà Oolong. Nước này gọi là thức trà.
4. Tiếp tục dùng nước sôi pha trà theo thời gian và số lần như sau:
– Pha lần 1: 20 đến 30 giây
– Pha lần 2: 20 đến 30 giây
– Pha lần 3: 30 giây
– Pha lần 4: 30 đến 50 giây
Các lần sau bạn có thể để lâu hơn.
*Chú ý: Sau mỗi lần pha phải rót hết nước trong ấm ra rồi mới thêm nước mới vào, không nên hãm trà quá lâu sẽ làm giảm hương vị của trà.
Sen Mộc An không theo gu thưởng thức trà lạnh. Tuy nhiên vẫn thử để biết hương vị của trà Oolong Quý Phi khi pha lạnh thì như thê nào. Thấy hương vị cũng hay hay, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng, sau khi đi làm vườn về, làm bình trà ướp lạnh cũng cảm nhận sự sảng khoái của cơ thể. Nếu muốn bạn cứ trải nghiệm. Nhưng dùng nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe đâu nhé.
Thưởng thức Oolong Quý phi vào một buổi sớm mai
Và đây là cách mà Sen Mộc An làm trên nền tảng học hỏi từ nhiều nguồn thông tin từ đó pha theo cách riêng của mình:
1. Lượng trà theo tỷ lệ 2gr trà/120ml nước pha trong bình thủy tinh miệng rộng (dễ dàng cho khâu vệ sinh khi dùng trà xong, vì trà sẽ nở to ra)
2. Cho trà Olong vào bình thủy tinh sau đó rót nước sôi để nguội hoặc nước lọc tinh khiết, sau đó mang rồi để trong ngăn mát tủ lạnh khoảng thời gian 4-5 tiếng đồng hồ là dùng được.
Thương chúc bạn trà có trải nghiệm thú vị khi thưởng thức dòng trà Oolong.

Công ty TNHH Văn Hóa Mộc An

Moc An Culture Company Limited

Tên viết tắt: MACCO

101Bis Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Q3, Hồ Chí Minh.

Không gian thưởng trà: Ngõ 689 Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, Hà Nội

Bản quyền thuộc về Mộc An Trà