BÍ QUYẾT LUYỆN THÁI CỰC QUYỀN CỦA VÕ SƯ ĐỔNG ANH KIỆT

BÍ QUYẾT LUYỆN THÁI CỰC QUYỀN CỦA VÕ SƯ ĐỔNG ANH KIỆT

  1. Thái Cực Quyền là môn võ thuật thuộc nội gia quyền. Sức mạnh được tạo ra từ trong xương cốt, kình lực tích lũy ở gân cơ. Môn này không đòi hỏi mình đồng da sắt mà yêu cầu “khí” trầm và xương cốt liễm lực. Do vậy, người tập không phải chịu chấn thương xương khớp và đau nhức cơ bắp hay sự mệt mỏi của việc nhào lộn mà chỉ bằng chuyển động tự nhiên để khơi dậy nguồn chân lực tiềm tàng. Đây là môn tập phát triển nguồn gốc năng lực của con người.
  2. Ba yếu tố chính phải luôn tồn tại là: Thần, Ý, Hình (tư thế vận động). Nếu Hình đúng thì Thần và Ý được hiển lộ, người tập sẽ đi đúng hướng mà có những thay đổi về cảm giác mỗi ngày. Người tập nên cố gắng cảm nhận sự thay đổi này một cách có ý thức.
  3. Nếu Hình không đúng thì Thần và Ý tiêu tán, kết quả sẽ như đun một cái bình nước trống không, mặc dù luyện tập nhiều năm mà chẳng đi tới đâu. Người đời có câu: Mười năm luyện Thái Cực Quyền không bằng Ba năm luyện công phu. Do vậy, để luyện tập Thái Cực Quyền có hiệu quả thì: thứ nhất là phải luyện tập siêng năng, thứ hai là phải có hiểu biết đầy đủ. Thành quả sẽ phụ thuộc vào trí tuệ của người tập, nhưng cần cù sẽ bù thông minh. Vì thế, người tập phải luôn luôn tự khích lệ mình luyện tập chăm chỉ hơn.
  4. Hơi thở trong quá trình luyện tập – phải thật tự nhiên, đừng ép hơi thở sâu. Sau một quá trình rèn luyện, người tập sẽ đạt tới mức độ tự nhiên, khi đó hơi thở sẽ được tự động điều chỉnh cân bằng.
  5. Thái Cực Quyền thập tam thức nguyên gốc là nói tới các cách dẫn “khí”. Dẫn khí nghĩa là chỉ đạo “khí” và huyết lưu thông, khi dẫn khí đúng thì khí huyết sẽ được cân bằng, bệnh tật sẽ tiêu tan. Tuy nhiên, không được hiểu sai về phương pháp này mà cố gắng tìm sự cân bằng. Nếu người tập chăm chỉ luyện theo đường lối tự nhiên thì sẽ đạt được thành quả khi chín muồi.
  6. Trầm kiên, trụy chỏ nghĩa là không được giữ lực ở vai. Đừng làm cho cánh tay trở nên nặng nề mà hãy làm cho nó mềm mại và nhẹ nhàng.
  7. Đỉnh đầu huyền (đầu treo lên) và nâng (giữ) hậu môn. Để đỉnh đầu huyền thì đầu phải giữ một cách tự nhiên. Nếu nâng (giữ, nhíu) được hậu môn thì “khí” sẽ tự động chuyển về đó. Để vận được kình lực thì ngực phải hơi mở, không được ép ngực và bẻ lưng (lưng gẫy).
  8. Khi luyện quyền thì có ít nhất 3 việc cần làm: thứ nhất là thả lỏng cơ bắp, thứ hai là điều chỉnh tư thế, thứ ba là chú ý tập trung vào ý niệm và tinh thần của động tác. Khi kiểm soát được vận động thì Thần, Ý sẽ được hiển lộ trong vận động, đạt đến mức này thì khả năng phát triển người luyện sẽ nhanh và hiệu quả hơn.
  9. Nhận biết cảm giác và hiểu kình – để làm được điều này thì cần phải thực hành nhiều về thôi thủ, người tập sẽ đạt được triêm, niêm, liên, tùy. Nếu không có bạn tập thì có thể tập quyền nhiều hơn và luôn luôn sử dụng hai cánh tay để cảm thụ lực. Hãy tưởng tượng rằng, đối diện với bạn có người tấn công và bạn tìm cách khống chế anh ta. Nếu luyện tập như vậy trong thời gian dài thì chắc chắn bạn cũng sẽ học hiểu được về kình.
  10. Khi luyện tập thôi thủ, điều quan trọng nhất là tìm hiểu cảm nhận về kình mà không phải là tìm cách hạ gục đối phương. Đừng để cho đối phương tìm ra trung tâm của mình mà hãy luôn luôn kiểm soát trung tâm của đối phương.
  11. Bạn có thể luyện Thái Cực Quyền trong mọi tư thế: đi, đứng, ngồi và nằm. Phương pháp là dùng ý để dẫn “khí” và kiếm tìm cảm giác. Ví dụ: cảm giác sự khác biệt khi cầm giữ chén trà mà dùng lực với không dùng lực, cảm giác sự khác biệt khi đi bộ với bước chân nặng và bước chân nhẹ. Khi đứng yên, hãy cảm nhận sự khác biệt lúc đứng thẳng với lúc đứng trùng gối, lúc đứng một chân với lúc đứng hai chân.
  12. Khi mới luyện tập Thái Cực Quyền, có thể sẽ phải chịu đau nhức của cơ bắp, nhưng đừng lo lắng vì nó sẽ qua đi và cơ thể sẽ nhận được cảm giác tốt hơn về sau.
  13. Bước căn bản để luyện tập thôi thủ là hiểu biết kình. Có nhiều loại kình như: triêm kình, hóa kình, nội kình, bổng kình, đàn kình, nhu kình, cấp kình, niêm kình, liên kình, thôi kình. Cũng có các cách gọi kình khác như: kình nhập cốt, giũ kình, hoạt kình, đột kình, đoản kình (kình một phần mười inch), kình phóng tiễn và bằng kình. Thông thường thì các loại kình này sẽ được cảm thụ dần trong tiến trình luyện tập. Nếu một mình tập để cảm nghiệm kình thì khó hơn là tập với người khác vì con người là sống động. Thêm vào đó, ta có thể tự điều chỉnh và cảm nhận khi phát kình. Tất nhiên, các loại kình được cảm nhận thông qua vận động cơ thể. Nếu không có bạn tập thì ta có thể cảm nhận kình từ Không Khí.
  14. Các nguyên tắc của Thái Cực Quyền: bàn chân bám rễ vào đất, lực xuất từ chân, eo là chủ tể vận động, biểu kình ở ngón tay. Nguyên tắc phát kình là: đầu gối không được vượt quá ngón chân, bàn tay không được duỗi quá mũi (??.), đưa lên cao quá lông mày và án xuống dưới trung tâm của ngực. Những điểm này là quy tắc truyền thống, nếu phá vỡ quy tắc thì kình sẽ không hội đủ. Sự biến hóa là do eo điều khiên. Ví dụ: nếu bạn muốn đẩy ai đó vào bên trái bằng tay phải của bạn, bàn tay của bạn vượt quá mũi bạn thì kình lực sẽ phân tán, nhưng nếu ngực trái bạn thu về một ít và eo xoay sang trái một ít thì kình lực sẽ lại xuất hiện trở lại. Do vậy, sự biến đổi này là ở ngực nhưng được điều khiển bởi eo và cuối cùng biểu hiện ở ngón tay. Khi toàn thân thả lỏng và linh mẫn thì kình lực sẽ biểu hiện ở ngón tay.
  15. Con người là động vật nhưng có ý thức. Ví dụ: Nếu ta tấn công ai đó trước thì đối phương chắc chắn sẽ dùng tay đỡ hoặc di chuyển cơ thể để né tránh. Đây là phản xạ tự nhiên của cơ thể, nhưng đối với đồ vật thì lại khác. Tương tự ví dụ trên nhưng với bao cát đang cheo – vật không có cảm giác, nếu ta đấm vào nó, nó sẽ chuyển động trước sau theo một quỹ đạo nhất định. Nếu ta đấm vào bên trái bao cát, nó sẽ chuyển động ra sau bên phải, đây là phản ứng của đồ vật. Nhưng con người lại phản ứng khác, đối phương sẽ có rất nhiều cách phản ứng đối với một cú đấm. Vì thế, một đấu thủ cần phải có 3 yếu tố: ổn định, chính xác và mạnh mẽ. Nếu không đủ 3 yếu tố trên sẽ không thể phát được kình, nhưng một khi có đầy đủ thì kình phát ra rất mạnh mẽ. Vậy làm sao để có: ổn định, chính xác và mạnh mẽ? Trước tiên phải có được cảm giác. Cảm giác nhận được như thế nào? Đừng động khi đối phương chưa động, nếu đối phương động ta sẽ động theo và kết thúc trước, ta sẽ phải ra đòn trong tích tắc để hoàn thiện trước, có như vậy mới không bị đánh bại.
  16. Trước khi tập Thái Cực Quyền, sức mạnh có thể là chuyết lực (lực vụng về), nhưng khi tập Thái Cực Quyền, toàn thân thả lỏng và khí huyết vận hành thông suốt thì sẽ vượt qua được những căng thẳng, lo lắng mà giữ được chân gốc của chuyết lực. Bởi vì khi thả lỏng, chuyết lực biến thành năng lượng thực sự (kình). Một ví dụ về chuyết lực là lực mà một số người gọi là lực vai vì lực được giữ ở vai mà không được điều khiển bởi eo và biểu hiện ra ngón tay. Vì thế, chuyết lực chính là vốn đầu tư bỏ ra và thả lỏng là phương thức tiêu dùng vốn. Nếu biết sử dụng phương thức tiêu dùng hợp lý thì với vốn ít cũng có thể tạo ra thành quả lớn. Điều này giải thích tại sao khi bạn hiểu nguyên tắc của Thái Cực Quyền thì bạn sẽ có lợi thế trong mọi môn thể thao khác.

(Bài trên được dịch từ bài viết: Words of Experience by Tung Ying Chieh tại http://taichivancouver.com)

 

Công ty TNHH Văn Hóa Mộc An

Moc An Culture Company Limited

Tên viết tắt: MACCO

101Bis Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Q3, Hồ Chí Minh.

Không gian thưởng trà: Ngõ 689 Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, Hà Nội

Bản quyền thuộc về Mộc An Trà