Để có một cơ thể khỏe mạnh, một tinh thần minh mẫn việc hiểu sâu hơn về các bộ phận trong cơ thể của chính mình là điều rất quan trọng. Dưới đây, tôi xin thâu tóm lại với sự học hỏi và trải nghiệm ít ỏi của bản thân, chia sẻ đến mọi người một vài thông tin về nhịp sinh học cũng như những lời khuyên thực tế để mọi người nắm bắt và áp dụng vào cuộc sống của mình.
1/ SƠ LƯỢC VỀ THỜI GIAN VÀ NHỊP SINH HỌC CỦA CƠ THỂ
Đồng hồ sinh học của con người được xây dựng trên cơ sở y học cổ truyền và vòng năng lượng tuần hoàn trong cơ thể (thường được gọi là Qi). Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cứ mỗi 2 giờ, vòng năng lượng tuần hoàn sẽ đi qua lần lượt các cơ quan nội tạng. Dựa vào biểu đồ tròn (Hình 1) ta sẽ thấy rõ sự thay đổi đó.
Hình 1
Theo đó cứ mỗi 2 giờ trôi qua sẽ có một cơ quan trong cơ thể đạt được nguồn năng lượng cao nhất. Khi một cơ quan trong cơ thể được nạp đầy năng lượng thì mức năng lượng của cơ quan đối diện ứng với sự phân bổ của đồng hồ trên (Hình 1) sẽ bị hạ xuống thấp nhất. Ví dụ: vào thời gian từ 1 đến 3 giờ sáng, là thời điểm GAN hoạt động, mức năng lượng sẽ tập trung ở GAN là cao nhất. Khả năng làm sạch máu đạt hiệu suất tối đa. Trong khi đó RUỘT NON sẽ hấp thu và đồng hóa chất dinh dưỡng lại đạt hiệu suất thấp nhất vào cùng thời điểm này. Điều này lý giải cho câu hỏi tại sao những người thường xuyên ăn đêm lại thừa cân.
Vậy để có một cơ thể khỏe mạnh, một tinh thần minh mẫn việc hiểu sâu hơn về các bộ phận trong cơ thể của chính mình là điều rất quan trọng. Dưới đây, tôi xin thâu tóm lại với sự học hỏi và trải nghiệm ít ỏi của bản thân, chia sẻ đến mọi người một vài thông tin về nhịp sinh học cũng như những lời khuyên thực tế để mọi người nắm bắt và áp dụng vào cuộc sống của mình.
2/ THỜI GIAN SINH HỌC
MẬT
Thời gian: 23-1- Là thời điểm MẬT hoạt động.
Trong cơ thể người, túi Mật là một bộ phận thuộc hệ thống đường dẫn mật. Túi Mật là một túi nhỏ, nằm sát dưới Gan, vùng bụng bên phải, dưới bờ sườn phải. Túi Mật có chiều dài khoảng từ 80 – 100mm và chiều ngang trong khoảng 30 – 40mm.
Nguồn ảnh internet
Túi mật và ống túi mật là nơi chứa đựng và dự trữ dịch mật do Gan tổng hợp và bài tiết ra. Khi ăn, Gan sẽ bài tiết dịch mật nhiều hơn, túi mật có tác dụng co bóp đẩy dịch mật vào ống mật chủ, từ đó đổ vào Tá Tràng và xuống Ruột Non, giúp phân hủy các chất béo, thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn trong cơ thể người. Ngoài ra, túi Mật còn có vai trò như một van điều phối dẫn mật vào Tá Tràng xuống Ruột Non một cách nhịp nhàng.
Theo Dịch học thời điểm từ 23 giờ đến 1 giờ sáng – vào giờ TÝ – Tháng 11
LỜI KHUYÊN:
- Nên đi ngủ trước 23 giờ và ngủ sâu giấc.
- Theo dịch học nếu bạn luyện khí công và muốn nương vào năng lượng của Trời Đất thì đây là thời điểm tốt nhất để cho bạn luyện tập. (Tập thở theo phương pháp khí công),
GAN
Thời gian: 1-3 giờ sáng – là thời điểm GAN hoạt động.
Trong cơ thể người, Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất, với vai trò thực hiện các nhiệm vụ quan trọng để duy trì sức khỏe. Gan có khả năng tái tạo nhu mô bị mất, nếu như khối lượng hao hụt dưới 25% thì Gan có thể phục hồi lại hoàn toàn. Gan được tiếp nhận chất dinh dưỡng và hóa chất hấp thu từ hệ tiêu hóa đầu tiên nên có nhiệm vụ như một “nhà máy lọc máu” chính trước khi thức ăn được chuyển hóa thành các dạng khác nhau trong cơ thể.
Nguồn ảnh internet
Gan là nơi đảm nhận cả vai trò nội tiết và ngoại tiết, những chức năng Gan có thể kể đến bao gồm:
- Đào thải độc tố: Những độc tố tan trong mỡ sẽ được tế bào Gan phân giải thành những chất kém nguy hiểm hơn hoặc dễ tan trong nước hơn. Đây là chức năng chính yếu nhất của cơ quan này.
- Sản xuất mật: Tế bào Gan là nơi sản sinh dịch mật và dự trữ chúng trong các túi mật. Dịch mậttheo đường ống mật đi xuống Tá Tràng để hòa trộn vào thức ăn, thực hiện nhiệm vụ nhũ hóa chất béo, cholesterol, một số loại vitamin để Ruột Non dễ hấp thụ. Mỗi ngày Gan tiết ra 5 lít mật, thành phần của mật bao gồm: muối mật, sắc tố mật, cholesterol, bilirubin, chất điện giải và nước.
- Sinh lý chức năng gan là lưu trữ các chất: Gan là “ngôi nhà” dự trữ rất nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin A – D – E – K – B12, thời gian các vitamin tồn tại “dự phòng” trong Gan có thể đến vài năm.
- Chuyển hóa: Gan lưu trữ carbohydrate dưới dạng glycogen và chuyển hóa chúng thành glucose khi cơ thể cần để hấp thu vào máu, cân bằng lượng đường huyết, cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động. Ngoài ra, Gan còn có chức năng chuyển hóa protein, lipid…
- Chức năng tổng hợp: Gan tổng hợp các yếu tố đông máu, tổng hợp hormone angiotensinogen, tổng hợp albumin…
Theo Dịch học thời điểm này vào giờ SỬU – Tháng 12
LỜI KHUYÊN:
- Nên ngủ sâu giấc để không làm phân tán năng lượng, giúp Gan thực hiện chức năng một cách tốt nhất.
- Không uống rượu bia và các sản phẩm có chất kích thích.
- Không nên ăn bữa cuối ngày quá nhiều và quá khuya.
Hãy nhớ lại những trải nghiệm thực tế của bạn: Những bữa tiệc tùng thả ga vào buổi tối, rồi uống các chất có cồn thường xuyên, bữa ăn cuối ngày của bạn thường rơi vào thời điểm quá tối. Rồi mỗi khi thức giấc vào buổi sáng thấy miệng mình đắng ngắt, có khi thức giấc vào 1, 2, 3 giờ sáng mà không thể ngủ lại được. Bạn thường xuyên rơi vào trạng thái này thì phải thay đổi lại thói quen ngay lập tức nếu bạn không muốn vào nghĩa địa sớm.
PHỔI
Thời gian: 3-5 giờ sáng – Là thời điểm PHỔI hoạt động.
Phổi nằm bên trong lồng ngực, được bao bọc bởi xương sườn, xương ức, xương đòn và các cơ bám, phía dưới có cơ hoành ngăn phổi với các cơ quan trong vùng bụng như Gan, Lá Lách, Dạ Dày.
Mỗi người gồm có hai lá Phổi: Phổi phải và Phổi trái, nằm trong hai ổ màng phổi. Giữa hai Phổi là Khí Quản, được coi là ống dẫn khí chính của Phổi. Khí Quản phân ra hai nhánh Phế Quản phải và trái đi vào hai lá Phổi. Tim nằm giữa hai phổi, lệch về phía trái. Trọng lượng Phổi của trẻ sơ sinh là 50-60g, tổng số Phế Nang là 30 triệu. Ở người trưởng thành, trọng lượng Phổi trung bình 300-475g, số Phế Nang khoảng 300 triệu.
Nguồn ảnh internet
Nhiệm vụ chính của Phổi là trao đổi khí. Các mao mạch của Phế Nang tạo thành một màng lưới dày đặc làm nhiệm vụ trao đổi khí. Do OXY và CO2 có sự chênh lệch áp suất nên OXY từ Phế Nang được chuyển vào máu, gắn vào hemoglobin của hồng cầu làm cho máu động mạch có màu đỏ tươi theo hệ thống tuần hoàn đi nuôi cơ thể. Khí CO2 được máu vận chuyển ra Phế Nang, theo các Phế Quản thở ra ngoài.
Bề mặt Phế Quản và Phế Nang được bao phủ bởi lớp nhung mao rất mịn và một lớp màng nhầy mỏng.Các chất nhầy giữ bụi, hạt phấn và các chất bẩn. Các nhung mao chuyển động đẩy các bẩn lên, đưa vào Thực Quản nuốt xuống Dạ Dày theo nước miếng.
Lớp tế bào biểu mô phủ lên lòng Phế Nang, Phế Quản và tế bào nội mô phủ lên nền mạch có vai trò như một hàng rào ngăn nước và ngăn các phân tử protein đi vào mô kẽ. Mô kẽ là tổ chức liên kết giữa màng Phế Nang và Mao Quản. Trong mô kẽ có nhiều các tế bào miễn dịch, giúp tạo kháng thể, giúp cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh. Xác bạch cầu cùng xác vi khuẩn chết được tiết ra ngoài cơ thể dưới hình thức đờm.
Theo Dịch học thời điểm này vào giờ Dần – Tháng Giêng
LỜI KHUYÊN:
- Luyện thói quen thức dậy sau 4 giờ sáng để tập hít thở sâu. Giúp cho tăng lượng khí thanh vào trong buồng phổi, đồng thời thở ra nhẹ nhàng để đẩy thán khí trong cơ thể ra ngoài. Theo trải nghiệm của cá nhân, thức dậy vào khoảng thời gian sau 4 giờ đến 5 giờ sáng là hợp lý. Dù từ 3-4 giờ sáng vẫn nằm trong khung giờ mà PHỔI hoạt động, nhưng thời điểm này theo một nguồn thông tin tôi đọc được thì tuyến tụy cũng làm việc (Bạn có thể đọc thêm chức năng của tuyến tụy nhé), nếu ai ngủ sâu trong thời điểm này rất tốt, đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường nếu ngủ sâu trong thời điểm này thì lượng đường được điều chỉnh nhờ tuyến tụy điều tiết insulin.
- Nhớ làm các động tác matxa để làm ấm cơ thể. Tập hít thở sâu chậm.
“Một năm cốt ở mùa Xuân
Một ngày cốt ở giờ Dần mà ra
Một nhà cốt ở THUẬN HÒA
Một người cốt ở tính ta CHUYÊN CẦN”
- Những vào thời gian từ 3-5 giờ chiều chức năng làm việc của PHỔI lại kém hiệu quả. Chính vì vậy, nếu bạn nói nhiều trong thời gian này nguy cơ mắc các chứng bệnh về viêm THANH QUẢN.
RUỘT GIÀ
Thời gian: 5-7 – Là thời điểm hoạt động của RUỘT GIÀ.
Ruột già hay Đại Tràng là phần áp cuối trong hệ tiêu hóa — chặng cuối cùng của ống tiêu hóa là Hậu Môn. Ruột già có độ dài trung bình khoảng 1,5m, tuy nhiên có người lại có Ruột Già dài tới 1,9m. Có sự chênh lệch này là bởi vào giới tính và cơ địa của từng người không giống nhau. Ruột Già ngắn hơn ruột non 4 lần nhưng tiết diện lại lớn hơn Ruột Non.
Cơ quan quan tiêu hóa của chúng ta có một đoạn cuối là Ruột Già, đây là một bộ phận quan trọng đảm nhiệm nhiều chức năng của hệ tiêu hóa, giúp con người phát triển.
Trong bộ phận tiêu hóa, Ruột Già không có enzyme tiêu hóa mà chứa chất nhầy có tính kiềm giúp làm trơn thành ruột khiến phân được di chuyển dễ dàng hơn. Chất nhầy còn có tác dụng bảo vệ niêm mạc Ruột Già, chúng sẽ được tiết ra nhiều hơn khi bị viêm ruột già hoặc ruột già bị những tổn thương khác.
Ruột Già hấp thu các chất dinh dưỡng và tạo ra một số chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
- Cơ quan có chức năng chính hấp thu chất dinh dưỡng là Ruột Non, không phải Ruột Già. Nhưng có một số chất sẽ phải đợi đến khi đi xuống Ruột Già thì mới có thể được chuyển hóa thành chất dinh dưỡng được. Hoạt động tiêu hóa ở Đại Tràng được thực hiện bằng 3 cơ vòng và 3 cơ dọc, tương tự như tại Ruột Non.
- Trong Ruột Già có rất nhiều loại vi khuẩn như escherichia coli, enterobacter aerogenes, bacteroides fragilis,… Các loại vi khuẩn này sử dụng một số chất như vitamin B12, C và cholin để làm chất dinh dưỡng nhưng đồng thời tổng hợp một số dưỡng cần thiết khác cho cơ thể như vitamin B, B1, B6, K, axit folic,… Chức năng này là chức năng quan trọng nhất của Ruột Già.
- Trong trường hợp các axit amin còn sót lại mà không làm hết nhiệm vụ tạo ra NH3, histamin, triramin thì chính các vi khuẩn trong Ruột Già sẽ đảm nhiệm vai trò này. Hấp thu các chất cần thiết mà Ruột Non làm sót lại.
Nguồn ảnh internet
Đa phần chất dinh dưỡng khi tới xuống Ruột Già đã được hấp thu gần hết, tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ của bộ phận này, triệt để các chất dinh dưỡng được đưa vào cơ thể:
- Hấp thu nước: 1 lít nước từ Ruột Non được chuyển xuống Ruột Già và sau đó hấp thụ, khi thải ra ngoài môi trường theo đường phân hoặc nước tiểu thì chúng chỉ còn lại khoảng 100-200ml. Khi hấp thụ nước, nguyên tố Na+ cũng được hấp thụ theo để giúp cân bằng áp suất thẩm thấu. Phân ở lại càng lâu trong Ruột Già thì sự hấp thu nước càng tăng lên. Chính vì thế mà chúng ta thường bị táo bón khi nhịn đi cầu.
- Hấp thu muối: Đây là một trong những nguyên tố cần thiết cho cơ thể, được hấp thụ ở đoạn đầu Ruột Già.
- Hấp thu NH3: Một số vi khuẩn trong Ruột Già sẽ hấp thu NH3 vào máu. Để tránh lượng NH3 được hấp thu quá lớn gây hôn mê Gan thì nên tránh táo bón và viêm Đại Tràng, vì táo bón và viêm Đại Tràng là hai nguyên nhân khiến lượng NH3 được hấp thu nhiều. Thụt rửa Đại Tràng là một lựa chọn phù hợp để điều trị những trường hợp này.
- Ruột già hoạt động mạnh nhất vào thời điểm này, đưa các chất cặn bã, độc tố bên trong cơ thể qua đường đại tiện. Là thời điểm lý tưởng cho việc thanh lọc cơ thể.
Theo Dịch học thời điểm này vào giờ Mão – Tháng 2
LỜI KHUYÊN:
- Tập cho mình thói quen thức dậy uống 700ml nước ấm (khoảng 30 độ C), khi uống nên chọn một điểm để ngồi rồi uống, bởi lúc ngồi uống, nước sẽ đi đến từng ngóc ngách đế cuốn các chất bám dính ở các thành ruột, đồng thời bạn sẽ cảm thấy sức ấm của nước lan tỏa làm ấm khắp cơ thể, và có thể giúp cơ thể bạn ra mồ hôi dù bạn có đang ở vào thời điểm 4-5 giờ sáng với thời tiết se lạnh.
- Luyện thói quen đi đại tiện. Để tống các chất thải ra bên ngoài, tránh gây ứ đọng chất độc trong cơ thể, đồng thời tránh táo báo.
- Theo dịch học nếu bạn luyện khí công và muốn nương vào năng lượng của Trời Đất thì đây là thời điểm tốt nhất để cho bạn luyện tập.
DẠ DÀY
Thời gian: 7-9 giờ sáng – Là thời điểm DẠ DÀY hoạt động.
Dạ Dày là cơ quan tiêu hóa, nơi phình to nhất của hệ thống tiêu hóa trong cơ thể người, được nối với phần Thực Quản và Tá Tràng (phần đầu của Ruột Non).
Cấu tạo gồm 5 lớp, được liên kết với nhau chặt chẽ gồm các lớp như: Lớp thanh mạc, phúc mạc, lớp cơ (gồm 3 lớp cơ là cơ dọc, cơ vòng và cơ chéo), tấm lưới niêm mạc và cuối cùng là lớp niêm mạc dạ dày. Cấu tạo Dạ Dày khá phức tạp và được liên kết phức tạp với các bộ phận khác trong khoang bụng. Nhờ có cấu tạo lớp cơ chắc chắn, liên kết chặt chẽ nên Dạ Dày có khả năng co bóp mạnh và chứa khoảng 4,6- 5,5 lít nước.
Dạ Dày có chức năng co bóp nghiền thức ăn, trộn thức ăn cho thức ăn thấm acid dịch vị và chuyển hóa thức ăn nhờ hệ enzyme tiêu hóa trong dịch vị. Sau khi thức ăn được nghiền cơ học nhờ nhai và phân hủy một phần nhỏ thức ăn nhờn enzyme trong nước bọt. Thức ăn sẽ được đưa xuống qua một ống cơ trơn Thực Quản và xuống Dạ Dày. Dạ Dày sẽ co bóp trộn đều và nghiền nát thức ăn cho thấm dịch vị và men tiêu hóa sẽ giúp hấp thu một phần chất dinh dưỡng trong thức ăn vào niêm mạc Dạ Dày. Còn lại thức ăn sẽ được chuyển xuống Ruột Non để tiếp tục hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong thức ăn vào cơ thể và cuối cùng là xuống Đại Tràng (Ruột Già) tống chất cặn bã mà cơ thể không hấp thu được ra ngoài.
Nguồn ảnh internet
Các vấn đề bệnh lý về Dạ Dày rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, thậm chí là trẻ nhỏ cũng có thể là đối tượng mắc bệnh về Dạ Dày. Ăn uống không hợp lý, sinh hoat nghỉ ngơi không đúng cách hay nhiễm khuẩn có thể hình thành nên các bệnh về dạ dày như: đau Dạ Dày, viêm loét Dạ Dày, Tá Tràng, xuất huyết Dạ Dày, ung thư Dạ Dày…
Theo Dịch học thời điểm này vào giờ Thìn – Tháng 3.
LỜI KHUYÊN:
- Nên ăn sáng đầy đủ chất dinh dưỡng, không bỏ bữa sáng.
- Không nên để bụng quá đói hoặc ăn quá no. Chỉ ăn 80% sức chứa của Dạ Dày.
- Hạn chế ăn quá nhiều chất chua, cay.
- Khi ăn nhớ nhai kỹ thức ăn ở miệng trước khi nuốt thức ăn. Ông bà ta có câu: “Ăn khi uống và uống khi ăn” (tức thậm chí ngay trong việc uống nước cũng phải nhai để tạo ra Enzyme. Và nghiền nát thức ăn như nước rồi mới nuốt vào để có lượng Enzyme nhiều nhất). “Ăn kỹ no lâu. Cày sâu tốt lúa.”
TỤY
Thời gian: 9 -11 giờ sáng – Là thời điểm TỤY hoạt động
Tụy là một tuyến thuộc bộ máy tiêu hóa vừa có chức năng ngoại tiết (tiết ra dịch tụy đổ vào ruột giúp tiêu hóa thức ăn) vừa có chức năng nội tiết (như tiết insulin đổ vào máu có tác dụng điều hòa đường huyết…). Tụy nằm sau phúc mạc, sau Dạ Dày, sát thành sau ổ bụng, vắt ngang qua các đốt sống thắt lưng trên, có màu trắng hồng, dài 15cm, cao 6cm và dầy 3cm, nặng khoảng 80gram.
Chức năng ngoại tiết:
- Mỗi ngày bài tiết khoảng 1000ml dịch tụy. Lượng dịch tụy này được tiết ra nhiều nhất khi ăn: chỉ cần nhìn, ngửi, nghĩ đến thức ăn hoặc nhai và nuốt có thể tiết ra 20% dịch tụy toàn bữa ăn, khi thức ăn xuống Dạ Dày sẽ tiết ra 5-10% dịch tụy, còn khi thức ăn đến ruột là 70% dịch tụy.
- Dịch tụy chứa nhiều muối bicarbonat và nhiều loại enzym giúp tiêu hóa hầu hết các loại thức ăn, bao gồm : Nhóm enzym tiêu hóa protein (trypsin, chymotrypsin, elastase, carboxypeptidase), enzym tiêu hóa glucid (amylase), enzym tiêu hóa lipit (lipase, photpholipase A2, cholesterol esterase), enzym tiêu hóa acid nucleic (ribonuclease, desoxyribonuclease).
Chức năng nội tiết: Các tuyến nội tiết tiết ra nhiều loại hormon vào máu, trong số đó quan trọng nhất là insulin và glucagon.
- Insulin có tác dụng giảm đường huyết (nếu thiếu hụt sẽ gây tăng đường huyết, liên quan chặt chẽ tới bệnh đái tháo đường)
- Glucagon có tác dụng làm tăng đường huyết (tăng cường phân giải gycogen ở Gan thành glucose ở máu.
Theo Dịch học thời điểm này vào giờ TỴ – Tháng 4
LỜI KHUYÊN:
- Không nên ăn quá nhiều đồ ngọt
- Không ăn đường trắng
TIM
Thời gian: 11 sáng đến 13 giờ chiều và 19 – 21 giờ – Là thời điểm TIM hoạt động.
Tim là một cơ quan giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc mang máu và oxy đi nuôi dưỡng cho toàn bộ cơ thể. Chu trình bơm máu của Tim được ví như “một nhà máy điện” cung cấp 5-6 lít máu mỗi phút để duy trì sự sống cho con người.
Thông thường, Tim người được chia thành 4 phần, bao gồm:
Ở nửa trên: tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải. Đặc điểm chung của hai tâm nhĩ này là có thành mỏng, được ngăn cách bởi vách liên nhĩ, nhận nhiệm vụ đưa máu từ tĩnh mạch xuống tâm thất.
- Ở nửa dưới:tâm thất trái và tâm thất phải. Các tâm thất thường có thành dày, được ngăn cách bởi vách liên thất, đảm nhiệm vai trò bơm máu vào động mạch.
Tim là một phần vô cùng thiết yếu trong hệ thống tim mạch. Nó bơm oxy và máu giàu chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể để duy trì sự sống. Tim có kích cỡ bằng nắm tay này đập liên tục (mở ra và đóng lại) khoảng 100.000 lần mỗi ngày, bơm 5-6 lít máu mỗi phút, hoặc khoảng 2.000 gallon mỗi ngày.
Nguồn ảnh internet
Theo Dịch học thời điểm 11 giờ sáng đến 13 giờ chiều vào giờ NGỌ – Tháng 5 và từ 19 giờ đến 21 giờ vào giờ TUẤT – Tháng 9.
LỜI KHUYÊN:
- Nghỉ ngơi hoặc làm việc với vận động rất nhẹ để không ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chức năng của Tim. Ai có bệnh lý về Tim nương vào thời gian này để luyện những bài tập hỗ trợ cho Tim theo hướng dẫn của trị liệu.
- Theo dịch học nếu bạn luyện khí công và muốn nương vào năng lượng của Trời Đất thì đây là thời điểm trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 13 giờ tốt nhất.
- Không nên xem hoặc nghe những tin tức gây cảm xúc mạnh. Đặc biệt những vị lớn tuổi không nên tức giận hoặc bị làm cho tức giận dễ bị cao huyết áp. Bạn đã từng nghe từ “tăng xông mà chết” mà ông bà ta thường hay sử dụng không ạ. Nên những vị bị cao huyết áp nên thận trọng nhé, đừng để bị cơn giận quá kích vào thời điểm này nhé.
RUỘT NON
Thời gian: 13- 15 giờ – Là thời gian RUỘT NON hoạt động.
Ruột Non dài khoảng 5-9m, trung bình 6.5m, là đoạn dài nhất của ống tiêu hóa, đi từ môn vị của Dạ Dày đến góc tá- hỗng tràng. Ruột Non gồm ba phần là Tá Tràng, Hỗng Tràng và Hồi Tràng.
Nhờ diện tích hấp thu lớn cùng với cấu trúc đặc biệt của niêm mạc ruột mà Ruột Non là nơi xảy ra sự tiêu hóa và hấp thu thức ăn chính của cơ thể.
- Ở Ruột Non, thức ăn được nhào trộn với dịch tụy, dịch mật và dịch ruột. Các kiểu vận động của thành ruột hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa gồm có: vận động lắc lư, co bóp phân đoạn, co bóp nhu động, vận động của nhung mao.
- Dưới sự tác động của các men tiêu hóa, các thức ăn là protein, lipid, glucid được tiêu hóa thành những sản phẩm cuối cùng có thể hấp thu được là các acid amin, monosaccarid, acid béo và các glycerol. Các chất dinh dưỡng được hấp thu qua thành ruột, theo các đường tĩnh mạch về gan, sau đó theo tĩnh mạch chủ dưới về tim.
- Lượng dịch được hấp thu hàng ngày khoảng 8-9 lít bao gồm dịch tiêu hóa và dịch của thức ăn, khoảng 77.5 lít được hấp thu ở Ruột Non, còn lại xuống Ruột Già.
Theo Dịch học thời điểm này vào giờ MÙI – Tháng 6
LỜI KHUYÊN:
- Nên ăn sáng trong khoảng thời gian từ 7-9 giờ sáng, ăn trưa trước 12 giờ đế thức ăn kịp tiêu hóa ở dạ dày trước khi thẩm thấu vào ruột non.
- Theo giờ sinh học thì Ruột Non sẽ làm việc kém hiệu quả nhất vào thời gian 21-23 giờ. Vậy không nên ăn vào thời gian này. Sẽ ảnh hưởng đến Dạ Dày và Ruột Non.
BÀNG QUANG
Thời gian: 15 – 17 giờ – Là thời điểm BÀNG QUANG hoạt động.
Bàng Quang nằm ở dưới phúc mạc, ngay sau khớp mu. Khi rỗng, Bàng Quang nằm hoàn toàn trong phần trước vùng chậu, phía sau là Trực Tràng và tạng sinh dục. Khi chứa đầy nước tiểu, Bàng Quang căng lên thành hình cầu, vượt lên trên khớp mu và nằm trong ổ bụng.
Chức năng Bàng Quang là nơi chứa nước tiểu do Thận bài tiết ra và đào thải nước tiểu ra ngoài thông qua đường niệu đạo.
Bàng Quang còn có vai trò dự trữ nước tiểu cho cơ thể. Khi 3 lớp cơ của Bàng Quang hoạt động, nước tiểu sẽ được đẩy ra ngoài theo từng đợt.
- Lớp cơ trơn nhận sự chi phối thần kinh phó giao cảm từ Tủy, là cơ tống nước tiểu
- Cơ vòng trong ở cổ Bàng Quang và lỗ niệu đạo trong nhận sự chi phối thần kinh giao cảm, có vai trò kiểm soát quá trình đi tiểu. Ở nam giới, cơ vòng trong có có chức năng ngăn chặn tinh dịch không bị trào ngược khi xuất tinh.
- Cơ vân ở vòng ngoài có thể điều khiển theo ý muốn của bản thân.
Chức năng tiểu tiện của Bàng Quang được kiểm soát và điều khiển bởi một cơ chế thần kinh phức tạp của hệ phó giao cảm tủy cùng, các sợi giao cảm tủy ngực và một phần của thân não, tủy sống. Khi Bàng Quang chứa căng đầy nước tiểu, các dây thần kinh sẽ gửi tín hiệu về não thông qua các dây liên lạc của tủy sống. Khi nhận được tín hiệu, não sẽ gửi tín hiệu phản hồi xuống Bàng Quang khiến cho thành Bàng Quang co lại và cơ thắt, van ở gần đầu niệu đạo thả lỏng và dần mở ra để nước tiểu chảy xuống, thoát ra ngoài cơ thể.
Theo Dịch học thời điểm này vào giờ THÂN – Tháng 7
LỜI KHUYÊN:
- Uống cốc nước ấm và đi tiểu tiện để đào thải chất độc ra ngoài.
- Khi mắc đi tiểu tiện không nên nhịn quá lâu và thường xuyên, sẽ dẫn đến tình trạng sỏi Bàng Quang.
THẬN
Thời gian: 17 – 19 giờ – là thời điểm THẬN hoạt động.
Trong cấu tạo cơ thể người có hai quả thận, nằm ở hai bên cột sống, dưới lồng xương sườn ở vị trí thấp nhất. Trong mỗi quả Thận là triệu nephron – đơn vị chức năng của Thận. Một nephron là một đơn vị lọc của các mạch máu nhỏ, còn gọi là cầu thận, gắn với ống thận. Máu vào cầu thận được lọc, phần chất lỏng còn lại đi dọc theo ống, cùng các hóa chất và nước được thêm vào hoặc loại bỏ khỏi chất lỏng, để lọc theo nhu cầu của cơ thể. Sản phẩm cuối cùng của thận chính là nước tiểu, được cơ thể bài tiết ra ngoài.
Nguồn ảnh internet
Như vậy, có thể thấy, lọc và bài tiết các chất thải, chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể chính là hai chức năng của Thận. Ngoài hai chức năng quan trọng này, thận còn thực hiện các nhiệm vụ khác như cân bằng kiềm – toan, sản xuất hormone điều hòa huyết áp, kiểm soát quá trình chuyển hóa canxi và kích thích sản xuất tế bào hồng cầu.
Thận là “bộ máy” của cơ thể sống.
Theo Dịch học thời điểm này vào giờ DẬU – Tháng 8
LỜI KHUYÊN:
- Nên tập thể dục, vận động cho ra mồ hôi để giảm tải quá trình lọc và bài tiết chất thải của thận.
- Luôn luôn làm ấm thận bằng cách matxa hai lỗ tai, ngâm chân bằng nước ấm pha muối từ 5-10 phút vào buổi tối. Thường matxa lòng bàn chân.
- Không tắm vào buổi tối, tắm quá khuya.
- Vào thời gian từ 5 đến 7 giờ sáng Thận làm việc kém nhất. Nên những ai bị suy Thận thường khó có thể dậy sớm, người mệt mỏi và cảm giác muốn ngủ thêm.
- Theo dịch học nếu bạn luyện khí công và muốn nương vào năng lượng của Trời Đất thì đây là thời điểm tốt nhất để cho bạn luyện tập.
TAM TIÊU
Thời gian: 21 -23 giờ – Là thời điểm TAM TIÊU (KINH MẠCH) hoạt động.
Tam tiêu chủ việc bảo vệ các tạng phủ trong cơ thể, có chức năng chủ khí, lưu thông khí huyết tân dịch, thông điều đường nước. Khi tam tiêu bị tắc, toàn cơ thể bị ảnh hưởng và nhiều cơ quan sinh bệnh.
Tam tiêu gồm thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu. Mỗi tiêu có một đường khí đạo cũng giống như Tam Nguyên là Thiên, Địa, Nhân, mỗi ngôi có 1 nguyên khí. Chữ Tiêu ngày xưa có ý nghĩa là màng mỡ. Tam tiêu chính là màng mỡ khắp trên cơ thể con người, là con đường hành thủy.
Thượng tiêu từ miệng xuống tâm vị dạ dày có tạng tim (Tâm) và Phổi (phế). Trung tiêu từ tâm vị dạ dày đến môn vị có tạng tỳ và phủ vị. Hạ tiêu từ môn vị dạ dày xuống tiền âm, hậu âm, bao gồm cả bộ phận bụng dưới: can (gan), thận, đại tiểu trường (Ruột non), bàng quang…
Tam tiêu là phủ của nội tạng, là cơ quan bảo vệ phía ngoài của các tạng phủ. Nó là đường đi của nguyên khi phụ trách hoạt động khí hóa, là đường sinh hóa các chất dinh dưỡng của thức ăn và nước. Sự hoạt động của tam tiêu biểu hiện ở sự khí hoá và sự vận chuyển đồ ăn.
Ở thượng tiêu: Phổi chủ hô hấp, phân bố khí và chất dinh dưỡng vào huyết mạch được tim khí đưa đi toàn thân. Ở trung tiêu tỳ vị vận hoá hấp thu thức ăn và đưa nước lên phổi. Ở hạ tiêu có sự phân biệt thanh trọc, tinh tàng trữ ở thận, các chất cặn bã được thải ra ngoài bằng đường đại tiện và tiểu tiện.
Theo Dịch học thời điểm này vào giờ HỢI – Tháng 10
LỜI KHUYÊN:
- Nên nghỉ ngơi thư giãn, hoặc ngồi thiền, nghe hoặc xem những chương trình có tính nuôi dưỡng. Nếu phải sủ lý công việc thì không nên làm việc vận động quá sức.
- Nên đi ngủ trước 23 giờ.
Tóm lại, khi bạn biết rõ chức năng cũng như thời gian sinh học của các bộ phận trong cơ thể. Bạn sẽ chọn cách sống và thái độ sống sao cho phù hợp với cuộc sống của bạn. Sức khỏe của bạn nằm trong chính “bàn tay” và thái độ sống của bạn. Bạn là vị thầy thuốc vĩ đại nhất của đời bạn.
Mộc An