Đời sống thường ngày – Answers from the heart.

 

 

  • Tôi không biết làm gì với cuộc đời tôi.

H: Tôi không biết làm gì với cuộc đời tôi. Tôi như bị cuốn đi về nhiều hướng, chẳng chú tâm lâu vào một việc gì. Tôi luôn thấy bất an, buồn bực và bối rối. Tôi phải thực tập như thế nào?

TL: Đôi khi chúng ta trồng hoa hồng bằng cách cắt cành hồng rồi cắm vào đất ướt có phân bón. Sau ít lâu cành hồng sẽ đâm rễ. ta cũng có khả năng trở thành một khóm hồng xinh đẹp, nhưng ta cần có đất và được cắm trong lòng đất đủ lâu để những chiếc rễ của ta mọc đủ mạnh.

Chúng ta thường nghĩ rằng khổ đau là tiêu cực. Hãy nên tập nhìn khổ đau dưới nhận thức mới, tích cực hơn. Theo giáo lý của Bụt, khổ đau là một Sự Thật Mầu Nhiệm (Chân đế) và chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều từ khổ đau.

Chúng ta phải có khả năng ứng phó với khổ đau cũng như hạnh phúc. Khổ đau luôn đi cùng với hạnh phúc. Nếu không có khổ đau thì chúng ta cũng sẽ không có hạnh phúc. Xu hướng của húng ta thường tránh né khổ đau, và như vậy là không tốt. Nếu không có khổ đau thì chúng ta không thể khôn lớn, không thể nuôi lớn hiểu biết và thương yêu. Vì vậy chúng ta phải học nhận diện và ôm ấp khổ đau. Nếu ta còn tìm cách trốn chạy khổ đau thì ta còn khổ đau. Nhiều người cảm thấy mình như ở trong một tình trạng gọi là mất gốc, Những người đó cần một môi trường thích ứng, một vùng đất màu mỡ để cắm rễ, nghĩa là một Tăng thân, một cộng đồng có tu tập, có tình huynh đệ, có yêu thương, tăng thân đó sẽ hỗ trợ cho ta rất nhiều và không bao lâu sau ta có thể tự mình đứng vững. Để một cành hồng trở thành một khóm hồng không lâu lắm đâu.

 

  • Ngồi đó mà không làm gì cả 

H: Khi rảnh rỗi, không bận việc này hay việc kia tôi thường cảm thấy tội lỗi. Tôi có nên không làm gì cả?

TL: Xã hội ngày nay, người ta có xu hướng coi việc ngôi không là không tốt, thậm chí còn là tội lỗi. Nhưng khi có nhiều việc để làm thì chúng ta lại đánh mất mình trong công việc và phẩm chất đời sống của chúng ta bị suy giảm. Ta phụ bạc chính ta. Cho nên biết tự bảo hộ, giữ gìn sự tươi mát, lạc quan, vui vẻ, thương yêu là rất quan trọng. Trong đạo Bụt có sự thực tập gọi là “vô tác”. Quả vậy trong truyền thống đạo Bụt, hình ảnh của một người lý tưởng, một vị A la hán hay một vị Bồ tát, là một người vô sự, không bận rộn, không phải đi đâu và cũng không phải làm chi. Chúng ta phải học cách an nhiên tự tại, không làm gì cả. Hãy thử sống một ngày mà không làm chi cả, chúng tôi gọi đó là “ngày làm biếng”. Mặc dầu đối với nhiều người quen chạy quanh hết việc này tới việc nọ, thì ngày làm biếng là một ngày thật sự không dễ. Không dễ để sống thảnh thơi, an nhiên, tự tại. Nếu ta vẫn hạnh phúc, thoải mái và mỉm cười khi không làm gì hết là ta đã khá giỏi. Khi ta biết sống thảnh thơi, không bận rộn thì phẩm chất của sự sống sẽ toả sáng. Đây là một điều rất quan trọng. Vậy thì không làm gì hết tức là đang làm. Hãy về viết câu này và treo lên: “Không làm gì hết là đang làm”.

 

  • Làm bất cứ thứ gì, không bao giờ cho là đủ

H: Vì muốn đạt thành quả mà nhiều khi tôi rất đau khổ. Làm bất cứ thứ gì, tôi không bao giờ cho là đủ. Làm thế nào để tôi không còn tự trách mình?

TL: Phẩm chất hành động của ta phụ thuộc vào phẩm chất sống của ta. Giả sử ta muốn cống hiến, muốn hiến tặng, hoặc muốn làm cho ai đó hạnh phúc, đó là một điều đáng lắm. Nhưng nếu chính ta không hạnh phúc thì ta không thể làm điều đó được. Muốn làm cho người khác có hạnh phúc thì trước hết ta phải hạnh phúc. Vậy thì có một sự liên hệ mật thiết giữa làm và sống. Nếu ta sống không thành công thì hành động của ta cũng không thành công. Nếu ta không cảm thấy là mình đang sống đúng thì ta không thể có hạnh phúc. Điều này đúng cho tất cả mọi người. Nếu không biết rõ hướng đi của đời mình thì ta sẽ đau khổ. Tìm ra pháp môn và thấy rõ con đường tu chân chính là rất quan trọng.

Hạnh phúc là khi ta cảm thấy mình đang đi đúng hướng, sống đúng chánh pháp trong từng giây phút. Ta không cần đi cho tới đích mới có hạnh phúc. Chánh pháp đưa ra những phương pháp rất cụ thể giúp chúng ta sống trọng vẹn trong từng phút giây. Đạo Bụt đã cống hiến cho chúng ta Tám Con Đường Hành Trì Chân Chánh gọi là Bát chánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh hành, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

Trích Hỏi đáp từ trái tim – Thích Nhất Hạnh.

Công ty TNHH Văn Hóa Mộc An

Moc An Culture Company Limited

Tên viết tắt: MACCO

101Bis Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Q3, Hồ Chí Minh.

Không gian thưởng trà: Ngõ 689 Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, Hà Nội

Bản quyền thuộc về Mộc An Trà