Sắc là cửa ải [khó vượt] bậc nhất của lũ thiếu niên. Chẳng phá được cái ải ấy, dẫu cho tài cao, tuyệt học, đều chẳng có cách nào dùng được! Bởi lẽ, muôn sự lấy thân làm gốc. Sở dĩ cái thân máu thịt có thể tồn tại lâu dài [trong cõi đời] là do tinh, khí, huyết. Huyết là Âm, Khí là Dương. Âm Dương ngưng đọng thành Tinh. Tinh chứa trong tủy xương, trên thông đến Tủy Hải[1], dưới thấu đến Vĩ Lư[2], là món quý báu nhất trong thân người. Vì thế, nước Thiên Nhất [3] chẳng cạn, tai mắt lanh sáng, chân tay, thân thể khỏe mạnh. Như nước thấm nhuần vật, trăm vật đều tăng trưởng. Lại như dầu duy trì ngọn đèn. Dầu chẳng cạn, ắt đèn chẳng tắt. Vì thế, bậc tiên Nho coi “tâm hỏa giáng xuống, thận thủy thăng lên, điều hòa lẫn nhau thì mới có thể dưỡng sinh”. Bởi lẽ, [lửa nơi] tâm là quân hỏa (君火: lửa đứng đầu trong các thứ hỏa nơi thân). Lửa có tánh nóng bốc lên, thường thừa dịp huyết khí chưa định mà dâm niệm hừng hực dấy lên. Hễ quân hỏa vừa động, ắt can hỏa (lửa nơi gan) và thận hỏa đều động. Thận thủy bị nung nấu, tiết ra ngoài, cạn kiệt bên trong.
Nam tử mười sáu tuổi đã có tinh khí, cổ nhân [quy định] ắt phải sau ba mươi tuổi mới cưới vợ. Đấy là nhằm giữ cho gân cốt cứng cỏi, giữ gìn nguyên khí. Hơn nữa, huyết khí phần nào đã định, cũng chẳng đến nỗi như bọn thiếu niên tự hao tổn vậy. Lũ trẻ gần đây, kết hôn quá sớm, gân cốt chưa vững vàng, nguyên thần hao tán. Kẻ chưa lập gia đình mà trước hết đã trừ bỏ căn bản này! Đứa đã cưới vợ rồi, càng [ra sức] đẵn chặt mầm mống. Chẳng đầy mấy năm, tinh huyết tiêu vong, èo uột, chẳng thể phấn chấn nổi! Tuy vẫn mang hình hài con người, đã hoàn toàn ghi tên trong sổ quỷ! Do vậy, con em bất tài, cũng là vì cha anh chẳng dạy! Nay vì họ lập ra ba nguyên tắc lớn, chính là: Một là siêng năng làm việc để cái tâm bận bịu. Hai là nam nữ cách biệt, hòng ngăn ngừa họa hoạn. Ba là giao du thận trọng để chấm dứt chuyện [bị bạn bè xấu xa] dụ dỗ, mê hoặc.
Như thế thì trong ngoài đều cùng tu, đức nghiệp mỗi ngày mỗi tiến, trách nhiệm của cha anh cũng trọn vẹn!
[1] Tủy Hải (髓海) là tên gọi khác của não. Não được gọi là Tủy Hải vì thiên Linh Khu trong Hoàng Đế Nội Kinh có câu: “Não vi tủy chi hải” (Não là biển của tủy).
[2] Vĩ Lư (尾閭) có nghĩa gốc là “nơi nước quy tụ lại”. Về sau, từ ngữ này được dùng để chỉ huyệt Vĩ Lư ở chót cùng của xương cụt (phần kết thúc của xương sống, giáp với xương mông).
[3] Thiên Nhất vốn là một khái niệm trong Hà Đồ Lạc Thư. Trong đó có quan niệm những số chỉ trời, thuộc về Dương, tượng trưng bằng chấm trắng, lần lượt gọi là thiên nhất, thiên tam v.v… Sách Lạc Thư Tinh Nghĩa nói: “Một âm, một dương giao hội lẫn nhau, cửu trù sanh ra từ đó, cửu cung được phối ứng từ đó. Từ thiên nhất sanh ra nước, nên phương Bắc thuộc về thiên nhất, là vận mở đầu cho thượng nguyên”. Ở đây, do sánh ví tinh tủy nằm dọc theo cột sống từ cuối não xuống đến tận xương cùng, giống như nước từ trên trời đổ xuống, cho nên tinh tủy được gọi là “thiên nhất chi thủy”. Do chẳng phóng túng dâm đãng, tinh tủy đầy đủ; vì thế, nói ví von là “nước Thiên Nhất chẳng cạn”.
Hoàng Đế Nội Kinh