1/ Tại sao chúng ta cần phải tập luyện?
Trời sinh con người phải vận động cho cơ thể được khoẻ mạnh. Cơ thể, ví như một chiếc xe, luôn luôn cần được bảo trì và phải xử dụng thường xuyên để xe chạy cho ngon lành. Vận động thường xuyên giúp cơ thể được sung sức, tinh thần nhanh nhẹn, gia tăng khả năng hoạt động và tránh được nhiều bệnh tật.
Cơ thể vận động lâu dài trên 50, 60 năm nên dễ sinh lười biếng và do sự lười biếng nên cơ thể dễ bị bệnh xâm nhập. Aristote, một nhà hiền triết Hy lạp (384-322 trước Tây lịch) đã nói: “Không có gì làm suy yếu và phá huỷ cơ thể con người bằng để cơ thể không vận động lâu dài”.
2/ Tập luyện như thế nào?
Tập luyện vừa sức vì tập quá sức có hại, nên vận động ngoài trời để cơ thể con người (tiểu vũ trụ) có thể hòa hợp với sự biến chuyễn không ngừng của Ðại vũ trụ.
Có nhiều loại vận động như đi bách bộ, tập Thể dục, tập Yoga, tập Khí công (Chi Kung, Qigong), tập Thái cực quyền (Tai Chi).
Người lớn tuổi nên chọn những loại vận động nhẹ nhàng chậm rãi thích hợp với sức khỏe và bệnh tật của mình vì càng lớn tuổi, xương càng dòn, nếu tập động tác mạnh, xương dễ bị gãy và khi bị gãy thì khó lành. Ði bộ là lối vận động đơn giản dễ nhất. Nên đi bộ vừa sức vì đi nhiều quá hại gân. Nên đi theo lối hành thiền, không nên trò chuyện để tâm tĩnh và kết hợp với lối thở sâu, dài, đều và êm (Thâm, trường, quân, tĩnh). Hai chân bước đi, sẽ thúc đẩy sự lưu thông của Khí trong 6 đường kinh của 3 tạng là Tỳ, Can, Thận và 3 phủ là Ðỡm (mật), Vị (bao tử) và Bàng quang (bộ phận thải nước tiểu). Hai tay cần đưa tới đưa lui, để thúc đẩy sự lưu thông khí trong các tạng phủ còn lại là Tâm (tim), Phế (phổi), Ðại trường (ruột già), Tiểu trường (ruột non), Tâm bào (màng tim) và Tam tiêu.
Có hai cách đi bộ :
Ði bộ chậm, chủ về Thủy, đi chậm và thở theo nhịp bước chân, thận mạnh, thuỷ vượng có thể hạ áp huyết.
Ði bộ nhanh, chủ về Mộc, đi nhanh Can mộc vượng, trị tiểu đường, mộc sinh hỏa, hỏa vượng, đốt cháy calo, chống mập phì.
Tập thể dục nhẹ, tập thể dục luyện về thể lực (nở nang các bắp thịt).
Tập yoga luyện tập cả khí lẫn thể lực nhưng ngồi hay đứng tại một chỗ tập từng bộ phận riêng biệt.
Tập khí công chỉ luyện tập về khí không luyện về thể lực. Tập thái cực quyền là luyện cả về thể lực và về khí như yoga nhưng di chuyển, toàn cơ thể đều động “nhất động vô hữu bất động”, ngoài ra còn dùng ý điều khiển khí lưu thông khắp cơ thể. Theo tôi, vì những động tác trong Thái cực quyền toàn là chậm rãi, mềm mại, nhẹ nhàng nên người lớn tuổi tập Thái cực quyền là hợp nhất.
3/ Thái cực quyền là gì?
Thái Cực là danh từ đầu tiên ở Kinh Dịch, Thái là lớn lao, Cực là trạng thái ban sơ của vũ trụ, ngụ ý nói sự rộng lớn bao la của vũ trụ .Thái Cực được tượng trưng bằng vòng tròn liên tục thể hiện trong Thái cực đồ. Thái cực đồ có hình một vòng tròn trong đó có 2 phần màu trắng và màu đen, trắng (màu sáng) tượng trưng cho dương, đen (màu tối) tượng trưng cho âm. Trong phần đen có một chấm trắng và trong phần trắng có một chấm đen có nghĩa là trong âm có dương và trong dương có âm, âm dương bổ sung cho nhau.
Thái cực sinh lưỡng nghi là âm và dương. Âm dương xung đối, chế hóa nhau đồng thời thúc đẩy nhau và do đó, vạn vật mới sinh thành. Trời đất là Ðại vũ trụ, con người là tiểu vũ trụ. Trời đất có âm có dương (trời + đất), con người cũng có âm có dương (đầu và bên Phải + chân và bên Trái). Trong cơ thể luôn luôn có sự điều hòa cân bằng 2 khí âm dương. Âm dương là hai trạng thái đối nghịch. Trời đất có sáng có tối, con người có khi sáng suốt thông minh, có khi ngu muội, đần độn. Trời đất có nóng có lạnh, con người có lúc nóng nảy, có lúc lạnh lùng.
Ngũ hành :
Trong trời đất, vạn vật có ngũ hành: Gỗ (Mộc), Lửa (Hỏa), Ðất (Thổ), Kim loại (Kim), Nước (Thuỷ). Trong cơ thể con người cũng có ngũ hành: Can thuộc Mộc, Tâm thuộc Hỏa, Tỳ thuộc Thổ, Phế thuộc Kim, Thận thuộc Thuỷ. Thuận với trời đất thì khoẻ mạnh mà nghịch lại thì bệnh tật.
Thái cực quyền:
Sở dĩ lấy tên Thái cực cho bài quyền vì mỗi động tác của nó đều có phân chia âm dương, nghĩa là có đối nghịch, có thăng có giáng, có hợp có khai, có trái có phải, có tiến có lùi, có hư có thực, v.v… Ngoài ra, mỗi động tác của Thái cực quyền đều đi theo đường tròn như các đường tròn trong Thái cực đồ. Các động tác trong Thái cực quyền từ khởi thức đến thu thức được liên tục, không đứt đoạn như một vòng tròn hoàn chỉnh, không thấy đầu mối (yếu quyết tương liên bất đoạn) như vòng tròn Thái cực đồ.
Thái cực quyền là một môn võ vừa là môn vũ thể dục vừa là thiền động. Nó là một môn võ vì các chiêu thức đều được trích ra từ các bài quyền chiến đấu. Nó là môn vũ vì các động tác nhịp nhàng và uyển chuyển. Nó là một dạng thiền động vì khi tập phải tập trung tư tưởng và buông xả như thiền và các động tác được liên tục và phối hợp với lối thở sâu và thở bụng. Không nên nhầm Thái cực quyền (Tai chi chuan) với Thái cực đạo (Tae Kwon Do, phải dịch là Túc quyền đạo mới đúng).
4/ Nguồn gốc của Thái cực quyền
Về nguồn gốc, cho đến nay chưa có thuyết nào xác thực. Theo thuyết cũ, vào thế kỷ thứ 13 Ðạo sĩ Trương Tam Phong (Chang Sen Feng) tu ở núi Võ Ðang đã sáng chế ra môn võ công Thái cực quyền của phái Võ Ðang, nhưng trong các loại bản văn cũ không có ghi chép thống nhất.
Căn cứ vào tài liệu ở Trần Gia Câu, người ta chỉ biết có Thái cực quyền ở Trần Gia Câu xuất hiện vào đầu triều nhà Thanh. Cuối thế kỷ 18 Dương Lộ Thiền được Ðại gia Trần Trường Hưng truyền dạy. Sau đó Dương Lộ Thiền sửa đổi hình thức và nội dung quyền thế cho thích hợp với quần chúng và tốc độ đi bài quyền chậm đều thay vì nhanh chậm không đều của Trần gia thức. Dương Lộ Thiền truyền lại cho 2 người con là Dương Ban Hầu và Dương Kiện Hầu. Con của Dương Kiện Hầu là Dương Trừng Phủ lại sửa đổi thêm và truyền bá rộng rãi môn này cho đến ngày nay.
5/ Ai có thể tập Thái cực quyền?
Vì các động tác nhẹ nhàng, không cần dùng sức nên bất kỳ ai, nam phụ lão ấu, già hay trẻ, khoẻ cũng như yếu đều có thể tập Thái cực quyền.
Ðối với những người yếu đuối, bệnh hoạn nên tập tùy sức, tập nhiều lần trong ngày, mỗi lần tập nên cố gắng tập cho đúng.
Mặc áo quần rộng rãi để khí huyết dễ lưu thông. Dùng giày dép đế thấp tránh bị trượt, ngã.
6/ Tập luyện Thái cực Quyền như thế nào?
Thường tại các sân tập người ta chỉ chú trọng đến việc tập bài quyền mà không chú trọng đến căn bản. Thái cực quyền chia làm 4 cấp: Luyện Hình, luyện Khí, luyện Ý và luyện Tâm.
Cấp 1: Luyện hình
Luyện căn bản và các tư thế của các chiêu thức trong bài quyền cho đúng. Ðộng tác của Thái cực quyền rất chậm rãi, thong thả, mềm mại, nhịp nhàng theo từng thế quyền, toàn thân phải buông lỏng nhưng động tác rất vững chắc. Một chỗ động thì tất cả mọi chỗ đều động chứ không vận dụng từng bộ phận như ở các môn thể thao khác. Khi đánh một chiêu thức cần chú ý đến ngũ pháp, đánh đúng theo ý của chiêu thức và theo đúng 10 yếu quyết của Thái cực quyền.
Ở cấp 1, học viên cần buông lỏng toàn thân, chú trọng nhất về bộ pháp, thủ pháp và thân pháp. Không nên chỉ chú trọng đến thủ pháp mà quên một phần rất quan trọng là bộ pháp vì bộ pháp có đúng, xuất chiêu mới được vững chắc ví như gốc rễ cây có chắc thì cây mới đứng vững được. Tay xuất chiêu phải mang yếu lý của võ thuật, chỉ dùng ý không dùng sức để đẩy khí đi (yếu quyết dụng ý bất dụng lực). Chân phải phân rõ nặng nhẹ (yếu quyết phân hư thực) vì vậy khi đi xong một bài quyền tuy mồ hôi toát ra nhưng người tập xong vẫn không thấy mệt.
Thân phải giữ thẳng (yếu quyết thứ nhất: hư linh đĩnh kình). Vì là một môn võ nên mỗi chiêu thức phải được đánh cho đúng thế võ, nếu không, khi nhìn vào, người ta cho là múa “lèo” như Thầy Ðổng Anh Kiệt, một đại sư Thái cực quyền Trung quốc đã nhận xét như sau:
– Phần đông múa Thái cực quyền thì nhiều, chỉ theo hình thức bên ngoài, dù có luyện đến 10 năm vẫn còn hồ đồ…
Cấp 2: Luyện khí: Luyện thở theo động tác.
Con người sống cần phải thở. Thở cho điều hòa và chính xác mớí trường thọ. Ở cấp luyện khí, phải kết hợp hô hấp với vận động đúng theo quy luật. Học viên sơ cấp (luyện hình) thở tự nhiên khi đi bài quyền, từ cấp luyện khí trở lên, tại các sân tập của tôi, các học viên luôn luôn phải tập thở theo động tác. Trên thực tế, hầu hết tại các sân tập, ở đây cũng như ở VN, các thầy chỉ dạy về Hình, chỉ chú trọng đến thủ pháp khi đánh các chiêu thức, đánh cho có dạng, không theo Ngũ Pháp (Bộ pháp, Thủ pháp, Thân pháp, Tâm pháp và Nhỡn pháp) và thở tự nhiên khi đi bài quyền.
Cấp 3: Luyện ý – Luyện dùng ý dẫn khí đi theo mục đích của chiêu thức.
Sau khi luyện khí, học viên ngành dưỡng sinh cần học luyện ý. Học viên phải hiểu rõ mục đích của mỗi động tác để dùng ý dẫn khí đi .
Cấp 4: Luyện tâm
Luyện tâm tĩnh, xả chấp và biết hy sinh. Tập Thái cực quyền phải tập trung tư tưởng, không tâm viên ý mã, tâm phải tĩnh, không phải tập theo lối ồn ào và mạnh như aerobic. Tập Thái cực quyền là tập buông xả là xả bỏ, là xả chấp. Khi đã xả bỏ thì ta luyện được cái tâm thoải mái. Khi thân được khoẻ mà tâm lại được an lạc thì mới trường thọ. Ngoại cảnh gây bệnh cho thân xác trong khi sự buồn phiền lo lắng, thần kinh căng thẳng là mầm mống của tâm bệnh. Tập Thái cực quyền để dưỡng sinh không phải để đánh thắng người như theo ngành chiến đấu mà là để đánh thắng ta. Thắng người đã khó mà thắng chính ta lại càng khó hơn, thắng ta là thắng cái bệnh hoạn của ta, thắng cái sự lười biếng, thắng cái sự cố chấp của ta. Cố chấp là nguồn gốc của sự bất đồng trong gia đình, trong xã hội.
Khi đã xả chấp được rồi, nên cố gắng tiến xa thêm một bước là luyện tâm biết hy sinh, quên mình để lo cho người, nhất là những người đau ốm, bệnh hoạn đang cần mình giúp đỡ. Việc tập luyện lúc đầu khó khăn vì phải nhớ cho hết các động tác và làm đúng theo sự hướng dẫn, phải luyện tập thường xuyên mỗi ngày, người tập phải cố gắng tập luyện vì biết rằng nó sẽ phòng bệnh, mang lại sức khoẻ cho mình để chống lại bệnh tật.
Phương pháp tập luyện phải chính xác, tư thế đúng, mới nâng cao được hiệu quả rèn luyện. Có người đã nghĩ sai, cho rằng dùng Thái cực quyền như thuốc Tây, tập xong rồi để đó, không chịu luyện hàng ngày, đợi khi nào đau, đem ra tập để chữa bệnh.
7/ Lợi ích của Thái cực quyền như thế nào?
Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Luyện để đáp ứng 2 mặt phòng bệnh cho thân xác, ổn định những rối loạn tâm thần và khi cần, có thể trị bệnh. Luyện tập Thái cực quyền của ngành dưỡng sinh không phải để đánh nhau như ở ngành chiến đấu, mà là đánh với bệnh để trị bệnh, kéo dài tuổi thọ trong tình trạng khỏe mạnh. Thái cực quyền tăng khả năng thích ứng với thay đổi của thời tiết, mang lại sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người: Âm dương trong con người kết hợp với âm dương của vũ trụ giúp con người tạo được sự hài hòa của bên trong (tâm) với các hoạt động bên ngoài (tay chân). Nhiều người, qua một thời gian rèn luyện, đã chứng minh Thái cực quyền có tác dụng chữa trị nhức đầu, đau lưng, chóng mặt, nhức mỏi rất tốt. Ngoài ra nó còn chữa một số bệnh mãn tính như suy nhược thần kinh, bệnh tim, áp huyết, bệnh tiểu đường, thấp khớp, trị được các bệnh mất ngủ, mập phì, các bệnh về tiêu hoá như táo bón, ăn không tiêu v. v. . .
Nếu ai đòi hỏi hiệu quả tức khắc như dùng thuốc Tây thì không thể trông đợi gì vào Thái cực quyền vì hiệu quả chỉ đến từ từ, phải kiên trì tập luyện hằng ngày.
Hỗ trợ hoạt động hệ tuần hoàn, hệ tim mạch: Khí và huyết luôn luôn đi kèm nhau, khí đi đâu thì huyết theo đó.
Tập Thái cực quyền, một chỗ động thì tất cả mọi chỗ đều động, làm cho khí huyết được lưu thông toàn cơ thể (ví như châm cứu toàn cơ thể), các mạch máu của động mạch sẽ hoạt động điều độ, thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu. Khí huyết lưu thông thì khỏi bệnh tật như vị danh y của ta ở thế kỷ thứ 19 là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã nói :
“Thống, tắc bất thông, thông, tắc bất thống” (có nghĩa là: Ðau, ắt là khí huyết không thông, đã thông khí huyết thì ắt là không đau).
Trợ giúp và bảo vệ hệ tim mạch, phòng chống cao huyết áp và xơ cứng động mạch. Khi ta bị cao áp huyết, lúc đó, hỏa của Tâm đang vượng (mạnh), muốn hạ áp huyết, theo luật tương khắc của ngũ hành Thuỷ khắc Hỏa nên Thận phải có đầy đủ Thuỷ để làm hạ Hỏa của Tâm. Tập Thái cực quyền tăng cường thận, thủy được vượng, điều hòa được âm dương nên áp huyết không thể tăng lên cao được.
Tăng cường hệ thần kinh :
Thường thường mỗi khi có chuyện buồn phiền làm thần kinh căng thẳng, ta có thể làm giảm mức độ căng thẳng bằng một lối xả tự nhiên là dùng giấc ngủ, dùng thể dục thể thao như bơi lội, tập thái cực quyền, dùng các thú tiêu khiển như chơi cây cảnh, hoặc tập thiền…
Khi tập Thái cực quyền phải tập trung tư tưởng, làm cho con người dịu lại, được thư giãn, tập gạt bỏ tất cả mọi ưu phiền, như vậy khắc phục được căng thẳng thần kinh và cơ bắp nhờ các động tác như bơi trong không khí trong khi tâm được tĩnh. Khi tâm được tĩnh, vỏ đại não được nghỉ ngơi làm cho con người được thư sướng.
Thái cực quyền trị bệnh suy nhược thần kinh: Trong khi não bộ bị làm việc quá độ, cho nó nghỉ ngơi một chốc lát bằng cách cố gắng làm cho nó không nghĩ gì hết. Khi tập Thái cực quyền, toàn bộ cơ bắp phải buông lỏng.
Những động tác dịu dàng kết hợp với việc buông lỏng cơ bắp, làm cho thần kinh được nghỉ ngơi khiến ta cảm thấy thoải mái. Có nhiều loại thiền, Thái cực quyền là một loại thiền động, khó hơn hành thiền vì hành thiền khi tập trung tư tưởng, hai chân tự động bước tới, còn về Thái cực quyền, khi tập trung tư tưởng khí đi theo chiêu thức làm cho tay chân vận động theo đúng các tư thế của chiêu thức (dĩ tâm hành khí , dĩ khí vận thân” dùng tâm ý làm cho khí lưu thông, sau đó lấy khí làm vận chuyển toàn thân)
Tăng cường trí năng, tăng cường trí nhớ. Khi tập Thái cực quyền, tập nhớ các động tác và tên các chiêu thức, tập cho trí ra lệnh cho tay chân sẽ làm gì sau mỗi động tác vừa làm xong (yếu quyết Nội ngoại tương hợp).
Trợ giúp và bảo vệ thận :
Tập Thái cực quyền chủ về thận, lấy eo làm trục để vận động tay chân (“chủ tể ư yêu, hành ư thủ chỉ”, có nghĩa eo là chủ tể cho tay chân vận động ).
Trợ giúp và bảo vệ hệ thống xương cốt được khoẻ mạnh :
Vận động trong Thái cực quyền không thể tách rời hoạt động có liên quan giữa cơ bắp, khớp xương và các cơ quan liên hệ, vì một chỗ động tất cả mọi chỗ đều động.
Tập Thái cực quyền tăng cường được sự dẽo dai, sự linh hoạt của các khớp xương, nhất là của cột sống và của các khớp ở tay chân.
Ðộng tác vòng tròn, xoáy trôn ốc có thể khiến toàn bộ các cơ bắp và các đường gân trong cơ thể phải tham gia hoạt động, khiến khả năng của chúng thêm phong phú, uyển chuyễn.
Hoạt động các cơ quan tuy mềm mại nhưng có ảnh hưởng nhiều. Hệ xương cốt và các cơ quan khác chịu sự chi phối của cơ bắp, song có tác dụng của tự mình điều tiết, nó hỗ trợ cho sự mạnh mẽ của xương, bảo đảm tính linh hoạt của các cơ quan khác trong cơ thể, (trị bệnh thấp khớp, phòng chống xương bị biến tính như bị còng lưng và xơ cứng các khớp xương).
Cải thiện sư nhanh nhẹn, sức mạnh của người già: Gia tăng sức mạnh cơ bắp phần dưới của cơ thể như bắp đùi, mông, bắp chân, cải thiện tư thế được thăng bằng, giảm rủi ro té ngã. Té ngã thường gây thương tích phần lớn làm chết người già (ví dụ bị gảy xương hông), hoặc nếu được cứu sống, cũng sống trong tình trạng dở sống dở chết.
Làm chậm lão hóa: Hiệu quả của tập Thái cực quyền đến từ từ nên người tập cần phải kiên trì tập luyện mỗi ngày.
8/ Phương pháp tập luyện:
Không nên cố gắng học cho thuộc mà chỉ cần nghe băng để tập thường xuyên mỗi ngày. Cứ chịu khó nghe băng để tập rồi dần dần tự động sẽ nhớ đủ không cần học thuộc .
Đọc thêm tài liệu để hiểu rõ thêm về lý thuyết nói về Thái Cực Quyền. Muốn tập cho đúng để có kết quả tốt, cách tốt nhất là nên tìm tài liệu của chính tác giả bài mình đang tập và nên đến các nơi dạy để được hướng dẫn rõ ràng, hơn nữa, ở sân tập, ngoài không khí luyện tập, có nhiều học viên đã luyện tập nhiều năm nên người tập có thể học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm tập luyện bổ ích hơn.
9/ Ngoài việc tập Thái cực quyền có thể tập thêm môn gì được nữa?
Nên nhớ rằng tập luyện luôn luôn đi đôi với Dưỡng Sinh không bao giờ tách rời. Tập luyện tốt mà ăn uống bừa bãi hoặc ăn uống cẩn thận mà không chịu luyện tập thì vẫn không ngừa được bệnh. Có thể tập thêm Khí công (Qigong, Chi Kung). Khí công rất gẫn gũi với Thái cực quyền nên có thể bổ túc cho Thái cực quyền để tu dưỡng thân tâm và giải trừ bệnh tật. Không nên ham tập nhiều loại và tập quá sức.
Sưu tầm