BỨC TRANH LỚN

DÙ TA ĐANG Ở ĐÂU—ở trong chùa, trong phố chợ, hay ở trên con đường đầy cây xanh yên tĩnh—chúng ta vẫn liên tục trải nghiệm những sự khó khổ lúc này lúc khác. Đó chỉ là bản chất của sự sống. Vì vậy khi ta gặp khó khổ về sức khỏe, ta không nên nói “Bác sĩ ơi, có điều gì trục trặc trong thân tôi—Sao tôi bị bệnh vậy?”; thay vì vậy ta nên nói rằng “Có điều diễn ra đúng trong thân tôi—Bữa nay tôi bị bệnh rồi.” Đó là lẽ tự nhiên, thân thể con người sẽ bệnh lúc này lúc khác. Đó cũng là lẽ tự nhiên của hệ thống phân rã trong thân khi nó cần phân thải nhưng ta không muốn thấy nó xảy ra, và đó là lẽ tự nhiên như nồi đang nấu nước sôi đôi lúc nó phải trào ra. Đó là lẽ tự nhiên của sự sống, nó diễn ra như vậy. Mặc dù con người luôn xoay sở đấu tranh để làm cho sự sống của chúng ta và người khác được diễn ra êm ả, nhưng làm vậy cũng không ngăn được những điều đó xảy ra.

Mỗi khi ta bị đau đớn hay khó khổ, hãy luôn nhớ một trong những ý nghĩa sâu sắc của chữ “khổ”: đó là ta cứ đòi thế giới những điều nó chẳng bao giờ cho chúng ta. Chúng ta cứ trông đợi và đòi hỏi những điều không thể có trong thế gian. Chúng ta đòi có nhà cửa đẹp và công việc hoàn hảo và mọi thứ chúng ta làm lụng và thu xếp phải xảy ra đúng lúc đúng nơi theo ý muốn của chúng ta. Tất nhiên, đó là đòi hỏi những điều không bao giờ có được. Rồi chúng ta lại đòi phải có được thiền định thâm sâu, rồi chứng luôn giác ngộ ngay bây giờ tại đây. Nhưng thế gian vũ trụ đâu có vận hành theo cách đó, (đâu có dễ như vậy, đâu phải ước là được, muốn là có). Nếu ta cứ đi đòi hỏi những điều thế giới không thể cung cấp cho ta, phải hiểu rằng điều đó chẳng khác nào ta cứ đi đòi có thêm những khổ đau mà thôi.

Do vậy, dù bạn có làm việc hay thiền tập, hãy biết chấp nhận mọi sự thường đi sai đi khác với mong muốn của ta. Việc của bạn là không nên đòi hỏi những thứ thế gian không cho mình được. Việc của bạn chỉ là quan-sát. Việc của bạn là không cố thúc ép thế gian tạo cho bạn những thứ theo ý bạn muốn có. Việc của bạn là biết hiểu, biết chấp nhận, và buông bỏ. Nếu bạn càng chiến đấu với thân mình, tâm mình, gia đình mình và thế giới, thì bạn chỉ càng gây thêm thương đau khổ sở cho chính mình.

Nhiều lúc, khi chúng ta có hiểu biết và biết đứng lùi lại trong đời sống hàng ngày, lùi lại chúng ta sẽ nhìn thấy được bức tranh lớn. Chúng ta sẽ thấy chẳng có gì khó khăn khó chịu với nơi ở của chúng ta, chẳng có gì trục trặc khó chịu đối với ta, chẳng có gì trục trặc khó chịu trong đời ta. Chúng ta đã hiểu ra rằng mọi sự chỉ là bản chất của thế giới nó luôn “đi sai”, luôn “trục trặc” theo đường lối của nó. Thế giới là vậy—đó là điều Đức Phật đã nói trong Chân Lý thứ nhất (Diệu Đế về Khổ). Chúng ta làm việc, tranh đấu và cố gắng để làm cho cuộc sống của chúng ta “đi đúng” và “ngon lành”—làm cho nhà cửa, thân thể, và cả tâm trí đều “đi đúng” và “tốt đẹp”—vậy mà tất cả cứ “đi sai” và “trục trặc” so với ý muốn của chúng ta.

Hiểu Biết Về Khổ Là Một Động Cơ Để Tu Tập

Quán xét về sự khổ [dukkha] là một phần tu tập quan trọng của đạo Phật nguyên chất. Chúng ta không cố kiểm soát sự khổ. Thay vì vậy, chúng ta cố tìm hiểu nó bằng cách điều tra về những nguyên nhân của nó. Đây là điểm quan trọng trong việc tu tập của chúng ta; bởi hầu hết mọi người khi gặp phải khổ đau họ cứ mắc sai lầm là cố trốn chạy khổ đau hoặc cố thay đổi nó. Họ thường chửi máy móc sao bị hư hỏng, nhưng máy móc nào chẳng đến thời hư hỏng, đó là lẽ tự nhiên tất nhiên của nó mà. Hễ có thứ gì trục trặc bất ổn thì chúng ta thấy khổ. Vậy sao chúng ta không biết thay đổi thái-độ và ngừng ‘chiến đấu’ với những sự trục trặc bất ổn đó. Khi ta ngừng chiến đấu với thế giới và bắt đầu biết hiểu về sự khổ thì ta sẽ có được một thái độ ứng phó kiểu khác. Đó là thái độ nibbidā: từ bỏ, buông bỏ.

Nibbidā là một thái độ phản ứng có được từ sự hiểu biết về bản chất tự nhiên của thân, của tâm, và của thế giới. Lúc đó bạn hiểu biết được tính chất của đạo Phật; thấy được tính chất của việc xây chùa hay xây nhà, và của việc sống cùng-nhau trong một nhà hay trong một chùa. Bạn biết những việc đó trước sau gì cũng tạo ra nhiều sự bất mãn, bất đồng và nhiều rắc rối. Nhưng, bạn đã đủ khôn khéo nên không còn phải trốn chạy những vấn đề rắc rối đó và cũng không còn cố thay đổi chúng nữa. Bạn hiểu ra những rắc rối khó khổ là hiển nhiên sẵn có trong tấm thảm chằng chịt của vòng luân hồi sinh tử (saṃsāra). Sự hiểu biết này chính là một trong những trí tuệ lớn thâm sâu của Đức Phật, đó là cái Phật muốn nói trong bài thuyết giảng đầu tiên, kinh Chuyển Pháp Luân [Dhamma-cakkappavattana Sutta, SN 56:11]

Khi đã biết được sự khổ đau vốn đã có sẵn trong kết cấu muôn trùng của vòng luân hồi sinh tử thì ta sẽ thay đổi thái độ phản ứng của mình. Giống như khi ta có một trái táo bị úng thúi, ta luôn cố cắt bỏ phần úng thúi đó để ăn phần còn lại. Khi ta có trí khôn trí tuệ ta nhìn thấy cả trái táo đã bị úng thúi, lúc đó phản ứng của ta là lập tức bỏ nó đi—đó là “nibbidā”: từ bỏ nó, buông bỏ nó, quay lưng khỏi nó, và quăng bỏ nó ngay. Lúc đó ta thấy ta không cần trái táo đó nữa; ta có thể buông bỏ nó. Điều quan trọng là ta cần hiểu biết rõ về sự khổ đau trong thế giới. Và điều quan trọng là ta cần nhìn thấy rõ sự khổ đau và bất toại nguyện là tuyệt đối có mặt trong tất cả mọi sự sống. Không bao giờ ta có thể kiểm soát hay dùng sức mạnh để giải quyết nó và chỉnh sửa nó diễn ra theo ý muốn của ta được. (Ví dụ ta không bao giờ có thể dùng sức mạnh, trí thức, của cải hay quyền năng nào để ngăn cản sự ‘già-chết’ xảy ra đối với mọi người).

Khi chúng ta biết suy xét và hiểu được lẽ-thực này, nó sẽ tạo cho ta động-cơ và niềm khích-lệ để chúng ta thực hành tu tập theo con đường đạo. (Những người xuất gia cũng nhờ sự suy xét và hiểu biết này nên họ đã đi tu theo Phật). Theo các bài kinh, khi Đức Phật còn là thái tử, Người nhìn thấy người ta bị già yếu, bệnh đau, và chết đi, bấy nhiêu đó cũng đã đủ cho Phật quyết định bỏ đi để tìm con đường giải thoát khỏi những khổ đau đó (kinh MN 26.13). Người nhận ra rằng, lẽ thực đó cũng xảy ra đối với mình, rằng mình cũng đang già đi, yếu đi, rồi đau bệnh, và rồi cũng đến lúc chết: con người không ai có thể thoát khỏi những khổ đau chờ sẵn đó. Sự nhận biết đó đã tạo ra cái động-lực phát tâm đi tìm sự chấm dứt và giải thoát khỏi những khổ đau và sinh tử đó.

Già, bệnh, và chết cũng là bản chất nằm sẵn bên trong ta đó. Đó là những điều đang diễn ra và sẽ xảy tới trong tương lai. Đó là những điều “chắn-chắn-xảy-ra”: ta sẽ già đi, sẽ bệnh đau, và chết. Ta chẳng thể làm gì để tránh được những điều đó. Đó là những lẽ thực, là lẽ tự nhiên của sự sống của ta, của thân thể con người ta, và của tất cả mọi thứ khác trong thế gian. Mọi thứ đều sẽ già cũ đi, đều tới lúc trục trặc tan rã, và chết—mọi thứ đều sẽ trục trặc, hư hỏng và tàn hoại. Ngay cả một người sắp thành Phật cũng có đủ trí khôn để biết rằng: dù có rất nhiều phẩm hạnh tâm linh và nhiều công đức đã được tích lũy như vậy, vị ấy cũng không tránh khỏi sự già-chết đó. Lúc này cần phải có thêm một loại thái-độ phản ứng nữa, đó là: hiểu biết tường tận về sự khổ đau. (Hiểu biết về những nguyên nhân của khổ).

Thiền sư Ajahn Brahm

Công ty TNHH Văn Hóa Mộc An

Moc An Culture Company Limited

Tên viết tắt: MACCO

101Bis Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Q3, Hồ Chí Minh.

Không gian thưởng trà: Ngõ 689 Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, Hà Nội

Bản quyền thuộc về Mộc An Trà